Nhu cầu tiêu thụ thép sẽ sụt giảm trong một vài tháng tới
18/07/2016 15:20
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu thép trong nước từ tháng 3-5.2016 tốt, nhưng giảm trong tháng 6 và có xu hướng sụt giảm trong một vài tháng tới. Doanh số thép xây dựng bán ra trong nước đã giảm đáng kể trong tháng 6.
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy 6 tháng đầu năm, toàn ngành thép đã sản xuất hơn 8,5 triệu tấn sản phẩm (thép xây dựng, ống thép, tôn mạ, thép cán nguội…), tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tiêu thụ thép cũng đạt hơn 8 triệu tấn, tăng 39% so với cùng kỳ. Trừ đi sản lượng xuất khẩu hơn 1 triệu tấn, tiêu thụ nội địa vẫn đạt trên 7 triệu tấn.
VSA cho rằng những tín hiệu tích cực của nền kinh tế vĩ mô trong nước đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thị trường bất động sản hồi phục, khởi sắc và đầu tư cơ sở hạ tầng đã giúp thúc đẩy tiêu dùng thép trong nước.
Nhu cầu thép trong nước từ tháng 3-5.2016 tốt, nhưng lại giảm trong tháng 6 và có xu hướng sụt giảm trong một vài tháng tới.
Theo báo cáo của VSA, trong tháng 6.2016, sản xuất sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên đạt 1.524.685 tấn, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng thép xây dựng sản xuất ra trong tháng 6 cũng đạt hơn 680.000 tấn, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng sản lượng bán hàng chỉ đạt gần 484.000 tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.
Bán hàng sản phẩm thép các loại đạt 1.021.982 tấn, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ 2015 nhưng giảm 11,8% so với tháng 5.2016. Mức tiêu thụ thép dài xây dựng cũng giảm 8,7% so cùng kỳ năm trước và giảm 18,4% so với tháng 5.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA nói rằng sở dĩ nhu cầu thép giảm do tính mùa vụ bởi mùa mưa và dịp rằm tháng 7. Đồng thời, các nhà thương mại cũng giảm tối đa hàng tồn khi giảm thiểu rủi ro trong xu hướng giá giảm nhanh.
Được biết, trong tháng 6, giá nguyên vật liệu đã giảm ở mức 15 – 20 USD/tấn cho thép phế và phôi. Giá bán thép thành phẩm cũng giảm mạnh từ 800.000 – 1 triệu đồng/tấn do cạnh tranh về thị phần rất khốc liệt.
Hiện tại, giá bán thực tế tại nguồn (chưa tính thuế GTGT, giao tại nhà máy, trừ chiết khấu tối đa) tùy theo quy cách, chủng loại sản phẩm, tùy theo nhà sản xuất với thép cây thông dụng phổ biến ở mức từ 9,3 – 9,7 triệu đồng/tấn; thép cuộn từ 9,3 – 9,9 triệu đồng/tấn…
Về tình hình xuất nhập khẩu thép và bán thành phẩm thép, tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam từ ngày 1.1.2016 đến 31.5.2016 đạt hơn 7,834 triệu tấn với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 2,994 tỉ USD. Xuất khẩu sản phẩm thép các loại đạt 251.045 tấn, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước và giảm 2,2% so với tháng trước.
Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2016, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã lên đến hơn 4,526 triệu tấn, chiếm 57,92% trong tổng lượng thép nhập khẩu. Trong khi đó, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Lượng thép xuất khẩu sang khu vực này chiếm khoảng 51% tổng lượng xuất khẩu thép.