Nhật Bản có hợp đồng hoán đổi quặng sắt đầu tiên

Nhật – quốc gia đứng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc trong ngành công nghiệp sắt thép – đã bắt đầu sử dụng chứng khoán phát sinh (còn gọi là giao dịch hoán đổi) nhằm ổn định giá quặng sắt. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự phát triển của thị trường tài chính đối với hàng hóa trong lĩnh vực này.

22/10/2012 00:00

Nhật – quốc gia đứng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc trong ngành công nghiệp sắt thép – đã bắt đầu sử dụng chứng khoán phát sinh (còn gọi là giao dịch hoán đổi) nhằm ổn định giá quặng sắt. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự phát triển của thị trường tài chính đối với hàng hóa trong lĩnh vực này.

Việc sử dụng các giao dịch hoán đổi quặng sắt để ngăn chặn sự tăng giá quặng sắt được bắt đầu sau khi những nhà khai thác và sản xuất thép đã thay thế hợp đồng theo năm bằng hợp đồng theo quý để ổn định thị trường tại chỗ hồi đầu năm nay.

Mới đây, Công ty thương mại tổng hợp Mitsui của Nhật Bản đã ký hợp đồng hoán đổi đầu tiên với Ngân hàng đầu tư toàn cầu Credit Suisse.

Hợp đồng hoán đổi này cho phép tập đoàn Mitsui hoạt động như một người trung gian giữa các nhà khai thác quặng sắt như Vale – tập đoàn quặng sắt lớn nhất thế giới của Brazil, Rio Tinto, BHP Billiton và các nhà sản xuất thép khác của Nhật Bản nhằm duy trì giá của hàng hóa, tránh những biến động từ các hợp đồng theo quý.

Giá quặng sắt đã đạt mức kỷ lục trong vòng hai năm là 182,10USD/tấn vào giữa tháng Tư vừa qua, tuy nhiên, sau đó, giá quặng sắt đã giảm 23% xuống còn 139,70USD/tấn hôm 28/6. Giá quặng sắt vẫn tiếp tục tăng gần 85% so với năm cùng kỳ do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc.

Đối với Mitsui, thỏa thuận này là “thử nghiệm thương mại trên thị trường quặng sắt có giao dịch hoán đổi,” Tổng giám đốc kinh doanh và quản lý rủi ro của Mitsui Tomohiro Saeki cho hay. Ông từ chối đưa ra chi tiết về hợp đồng hoán đổi, song các nguồn tin trong ngành cho rằng, hợp đồng có trị giá 10.000 tấn quặng sắt mỗi tháng cho nửa sau của năm 2010.

“Rất nhiều tổ chức tài chính và ngân hàng đầu tư đang chuẩn bị lao vào thị trường. Các nhà sản xuất cũng rất quan tâm,” ông Saeki phát biểu trong buổi phỏng vấn với tờ Financial Times. Theo ông, tất cả các nhà máy thép tại Nhật và trên thế giới đều đang hướng tới thị trường hoán đổi này.

Đây là bước đầu tiên của các thương nhân và các nhà sản xuất thép của Nhật – những người kinh doanh theo lối truyền thống – vào thị trường quặng sắt có tiềm năng lớn và nhiều biến động. Theo nguồn tin từ các ngân hàng, Mitsui và đối thủ cạnh tranh là tập đoàn Mitsubishi, một sogo shosha (công ty thương mại tổng hợp) lớn nhất của Nhật đã đàm phán về hợp đồng hoán đổi đáng kể cho năm tới.

Sự phát triển của hợp đồng hoán đổi quặng sắt được thực hiện phần lớn tại London (Anh) và thường không liên quan tới các nhà kinh doanh hay sản xuất thép.

Tuy nhiên, thị trường tiềm năng cho các giao dịch hoán đổi quặng sắt là rất lớn, các nhà phân tích nhận định. Quặng sắt là mặt hàng lớn thứ hai trên thế giới về khối lượng chỉ sau dầu mỏ. Cho đến nay, giá trị của mặt hàng này trên thị trường tài chính vẫn còn khiêm tốn, chỉ khoảng 300 triệu USD, song các nhà môi giới và tư nhân dự đoán rằng, khối lượng quặng sắt sẽ tăng lên khoảng 200 tỷ USD vào năm 2020.

Các ngân hàng hy vọng rằng, hoạt động giữa các thương nhân Tokyo và các nhà sản xuất thép sẽ kéo theo những tổ chức khác. Các nhà máy lớn của Trung Quốc đã tỏ ra quan tâm hơn tới giao dịch hoán đổi sau khi nhận được khuyến khích từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA).

Hai ngân hàng lớn trên thế giới là Deutsche Bank và Credit Suisse công bố giao dịch hoán đổi đầu tiên vào năm 2008. Kể từ đó, các ngân hàng khác cũng tham gia thực hiện hình thức này, trong đó có cả Morgan Stanley – Ngân hàng kinh doanh lớn nhất của Mỹ và cả các nhà môi giới.
Theo Vitinf