Nhà thầu Trung Quốc: Làm rùa bò, đòi hỏi nhiều
17/08/2014 12:40
Liên danh nhà thầu Trung Quốc đang xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đã rút máy móc, công nhân về nước.
Nhà thầu Trung Quốc nói trên là Liên danh Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18.
Theo phản ánh của báo chí, công trường trên thủy điện Thượng Kon Tum trở nên vắng lặng, chỉ còn một số công nhân người Trung Quốc còn ở lại để bảo vệ thiết bị máy móc, nhiều hạng mục chậm tiến độ, gây tổn thất lớn cho chủ đầu tư.
Ông Võ Thành Trung - Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, chủ đầu tư thủy điện Thượng Kon Tum - cho biết lí do mà liên danh nhà thầu Trung Quốc đưa ra để ngưng thi công là tình hình an ninh trật tự không đảm bảo, nhiều thiết bị từ Trung Quốc không thể đưa được qua công trình…
Đại sứ quán Trung Quốc đưa cảnh báo với người lao động Trung Quốc cần cẩn trọng khi lao động tại Việt Nam; Các nhà cung cấp thiết bị ở Trung Quốc không còn muốn cung cấp sản phẩm, thiết bị sang Việt Nam; Người lao động Trung Quốc không thể ra ngoài công trường để thực hiện các giao dịch về nước; hầu hết các công ty giao dịch ở Trung Quốc tại Việt Nam buộc phải ngừng kinh doanh vì vậy gây khó khăn cho việc cung cấp và tiếp nhận các bộ phận thay thế, phụ tùng cho máy TBM tại công trường.
Theo nhà thầu Trung Quốc, đây là những lý do về trường hợp bất khả kháng nằm trong điều khoản ký kết hợp đồng giữa nhà thầu với Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh.
Chưa kể, trong quá trình thi công, phía công ty Trung Quốc liên tục đưa ra các đòi hỏi, yêu sách vô lí, không có trong hợp đồng như chi phí trượt giá, chi phí phát sinh trong quá trình thi công để gây sức ép lên chủ đầu tư.
Phản bác lại những luận điệu phi lý của nhà thầu Trung Quốc, ông Trung cho hay: “Không có văn bản nào của Chính phủ Việt Nam quy định về cấm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam, hoặc nhập cảnh vào Việt Nam”, đồng thời khẳng định về sự an toàn trên công trường tại công trình thủy điện Thượng Kon Tum. Vì vậy việc nhà thầu áp dụng về điều khoản Bất khả kháng theo hợp đồng là không đúng.
Trước đó, lý giải việc chọn nhà thầu Trung Quốc thực hiện hạng mục Tuyến năng lượng đoạn 2 thuộc dự án thủy điện Thượng Kon Tum, tại đại hội cổ đông thường niên của Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh tổ chức hồi cuối tháng 6/2014, báo cáo cho biết: hạng mục Tuyến năng lượng đoạn 2 dự án thủy điện Thượng Kon Tum, phần thi công thiết kế của nhà thầu Trung Quốc phù hợp hơn và rẻ hơn, trong khi nhà thầu còn lại chào giá cao gần gấp đôi nên liên danh nhà thầu Trung Quốc trúng thầu. Đặc biệt, các công trình do Liên danh Nhà thầu Hoa Đông và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18 đang thực hiện tại Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với dự án thủy điện Thượng Kon Tum.
"Tuy nhiên đến nay, khi triển khai thi công nhà thầu Trung Quốc làm chậm tiến độ cho hạng mục này rất lớn, không đúng như cam kết ban đầu", báo cáo nêu rõ.
Với đường hầm dẫn nước dài gần 16km, năm 2011, liên danh nhà thầu bắt đầu tiến hành triển khai thi công gói thầu. Đoạn đường hầm có 3km đào bằng phương pháp khoan nổ thủ công, còn lại bằng máy, thời gian thực hiện theo dự kiến là 42 tháng, đến nay mới chỉ có 6km hầm đã đào, còn 10km đường hầm vẫn chưa biết bao giờ thực hiện.
Báo cáo của Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cho biết, bình quân mỗi tháng, đơn vị thi công chỉ đào hầm được 91m. Trong khi theo tiến độ dự thầu của liên danh nhà thầu, bình quân mỗi tháng đào 530m. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục khác cũng chịu chung số phận, như tầng 1 nhà máy mới đào đá được khoảng 70%, tầng 3 đào được 10% so với khối lượng thiết kế ban đầu. Hầm giao thông, thời gian thi công 24 tháng bắt đầu từ đầu năm 2010, nhưng đến nay mới thi công phần đào đường hầm, phần gia cố chỉ đạt khoảng 50% khối lượng công việc…
Theo tính toán của chủ đầu tư, riêng việc đào hầm đã chậm gần 2 năm so với tiến độ hợp đồng và chậm hơn một năm so với tiến độ hiệu chỉnh.
Vào cuối tháng 7/2014, khi trao đổi với Đất Việt, ông Trung đánh giá: "Đây chỉ là một hạng mục nhỏ của dự án. Nếu nhà thầu Trung Quốc không làm thì người khác làm, quan trọng gì đâu?".
Theo tính toán của cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum, với tiến độ thi công "rùa"này, nhà máy thất thu từ 1.000 đến 1.200 tỷ đồng mỗi năm vì chậm tiến độ, không đưa được nguồn điện ra thị trường.