Nhà máy gang thép Việt- Trung (Lào Cai): Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Đi vào sản xuất, kinh doanh đúng thời điểm ngành thép lao dốc do biến động thị trường, cung vượt cầu, giá phôi thép và quặng sắt giảm sâu, khác xa so với giá dự tính ban đầu, nên Nhà máy gang thép Việt-Trung (Lào Cai) gặp phải rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để tồn tại và phát triển.

01/12/2015 17:04

Đi vào sản xuất, kinh doanh đúng thời điểm ngành thép lao dốc do biến động thị trường, cung vượt cầu, giá phôi thép và quặng sắt giảm sâu, khác xa so với giá dự tính ban đầu, nên Nhà máy gang thép Việt-Trung (Lào Cai) gặp phải rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để tồn tại và phát triển.

Khó khăn chồng chất kéo dài

Theo ông Bùi Thanh Bình - Tổng giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM): Tháng 12/2014, Nhà máy gang thép Việt-Trung của VTM chính thức đi vào sản xuất - kinh doanh, đúng thời điểm thị trường ngành thép đi xuống, sức ép cạnh tranh gay gắt không chỉ giữa hàng trong nước mà đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tràn về với giá rẻ, khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) thép trong nước, trong đó có VTM rơi vào khó khăn, càng sản xuất càng thua lỗ.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc làm và thu nhập cho hơn 1.000 lao động, đội ngũ lãnh đạo VTM đã đưa ra mọi phương án để tối đa hóa chi phí, hạ giá thành sản phẩm để giữ vững thị phần; kêu gọi sự chung tay hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo tạo điều kiện về cơ chế, chính sách giúp DN bớt khó, có thêm động lực để phấn đấu sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa.

Tính đến nay, VTM đã cung ứng ra thị trường trong nước và xuất khẩu hơn 300 ngàn tấn phôi thép và hơn 50 ngàn tấn gang thỏi để sản xuất thép cán thương phẩm các loại…, phục vụ nhu cầu xây dựng trên thị trường và xuất khẩu.

Song, do biến động thị trường, giá bán phôi thép giảm sâu nên Nhà máy gang thép Việt-Trung hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, lỗ tới hàng trăm tỷ đồng, do phải bán phôi thép dưới giá thành. Theo báo cáo của VTM, 10 tháng đầu năm 2015, nhà máy sản xuất được trên 276 ngàn tấn phôi thép và trên 49 ngàn tấn gang thỏi.

Về tiêu thụ, VTM đã bán được 280 ngàn tấn phôi thép (trong đó tính cả lượng phôi thép tồn từ năm 2014) và 49 ngàn tấn gang thỏi. Tuy nhiên, công ty đang phải bán phôi thép dưới giá thành sản xuất rất sâu, khoảng trên một triệu đồng/tấn, đó chính là nguyên nhân “càng sản xuất càng thua lỗ”.

Theo báo cáo của VTM, giá thành sản xuất một tấn phôi thép là 8 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán ngoài thị trường hiện tại dao động khoảng 6,5 triệu đồng/tấn, lỗ 1,5 triệu đồng/tấn (do giá phôi thép thế giới giảm từ 9,1 triệu đồng/tấn xuống còn 6,5 triệu đồng/tấn). Chính vì giá bán giảm quá sâu dẫn tới hoạt động SXKD của VTM đang rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Tính đến nay, nhà máy lỗ lũy kế hơn 600 tỷ đồng. Và dự báo, nếu tình hình thị trường phôi thép tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, VTM còn tiếp tục thua lỗ lớn hơn.

Chia sẻ về số lỗ quá lớn, ông Bình cho biết: Nguyên nhân chính gây thua lỗ do cả chủ quan và khách quan, nhưng chủ yếu do khách quan, bởi thị trường phôi thép giảm sâu và kéo dài, dẫn đến giá bán “tụt dốc thê thảm”, cùng việc “cõng nợ” ngân hàng do vốn vay quá lớn để đầu tư xây dựng nhà máy, trong khi không lường hết diễn biến giá cả thị trường phôi. Tính ra, mỗi tấn phôi thép nhà máy của VTM sản xuất ra, hiện phải “cõng” lãi suất ngân hàng gần một triệu đồng/tấn. Điều đó gây ảnh hưởng cho VTM và cả đối tác liên doanh, vì phải vay quá nhiều vốn vào đầu tư nhà máy sản xuất phôi với quy mô lớn. Song từ khi đi vào SXKD đến nay, VTM chưa khi nào có lãi, bởi giá cả thị trường luôn có xu hướng giảm sâu hơn so với giá dự tính trước khi xây dựng nhà máy, cùng sức ép cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu ngày một lớn, khiến nhà máy càng sản xuất càng thua lỗ lớn. Nhưng, với trên 1.000 lao động, cùng với suất đầu tư kinh tế, kỹ thuật… nên không dễ gì ngừng sản xuất.

Cần sớm có giải pháp tháo gỡ

Để tháo gỡ khó khăn cho nhà máy của VTM, tránh nguy cơ dừng hoạt động vì “thu không thể bù chi”, ngày 17/11/2015 vừa qua, tại Lào Cai, các bên liên doanh, bao gồm: Tổng công ty Thép Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai và lãnh đạo tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cùng Công ty Cổ phần Gang thép Côn Minh (Trung Quốc) đã cùng họp bàn, thống nhất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nhà máy trong giai đoạn “nguy cơ” thua lỗ kéo dài.

Theo đó, liên Bộ Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và Cục Thuế tỉnh Lào Cai đã có tờ trình UBND tỉnh Lào Cai đề nghị điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên quặng sắt limônít tại mỏ Quý Sa (công ty đang khai thác) phù hợp với giá thị trường đang giảm sâu, từ 500 ngàn đồng/tấn xuống 370 ngàn đồng/tấn; điều chỉnh mức thu đóng góp từ khai thác khoáng sản để bảo đảm hạ tầng giao thông, từ 80 ngàn đồng/tấn xuống 50 ngàn đồng/tấn.

Bên cạnh đó, VTM kiến nghị UBND tỉnh Lào Cai cho giãn nộp khoản tiền hơn 160 tỷ đồng là thuế tài nguyên và chi phí bảo vệ môi trường snag năm 2017 để giảm bớt “gánh nặng” cho VTM trong lúc khó khăn về kinh doanh và tài chính.

Về trả nợ vốn và lãi vay Ngân hàng VietinBank, VTM đã dùng toàn bộ số tiền bán hàng trong 9 tháng năm 2015 là 1.725 tỷ đồng để trả nợ gốc được 1.456 tỷ và trả lãi vay được 277 tỷ đồng. Như vậy, số tiền thu được bảo đảm trả nợ đúng hạn, thậm chí trước hạn để giảm phần lãi suất cao từ những năm trước.

Theo ký kết giữa VTM và Ngân hàng VietinBank, hạn mức vốn vay được giới hạn ở mức 1.600 tỷ đồng, phục vụ cho đầu tư khai thác, kinh doanh ở mỏ sắt Quý Sa và Nhà máy sản xuất gang thép Tằng Loỏng, Lào Cai. Tuy nhiên, do giá bán phôi thép giảm sâu nên tình hình tài chính của công ty rất khó khăn, hiện không có tiền để quay vòng sản xuất. Do đó, VTM đề nghị phía ngân hàng nâng hạn mức tín dụng lên 2.400 tỷ đồng để có dòng tiền lưu động, giúp duy trì sản xuất và tháo gỡ khó khăn cho VTM trong quá trình tham gia chế biến sâu khoáng sản tại chỗ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, VTM kiến nghị các bộ, ngành sớm có giải pháp phòng vệ thương mại, loại bỏ hành vi gian lận thương mại trong việc nhập khẩu phôi thép; tăng cường giám sát DN nhập khẩu phôi thép. Nếu là phôi thép hợp kim nhập khẩu được sử dụng để cán thép xây dựng thông thường cần truy thu thuế và xử phạt thật nặng, nhằm tránh tái phạm, giúp thị trường phôi trong nước lành mạnh.