Người dân kỳ vọng vào cải cách của Chính phủ

Đa số người dân kỳ vọng vào việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường nhanh hơn, nhưng vẫn mong muốn có sự can thiệp của Nhà nước để bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu, hạn chế khiếm khuyết thị trường.

23/07/2015 15:39

Đa số người dân kỳ vọng vào việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường nhanh hơn, nhưng vẫn mong muốn có sự can thiệp của Nhà nước để bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu, hạn chế khiếm khuyết thị trường.

Kỳ vọng vào cải cách có tính căn cơ

Báo cáo mới nhất về "Khảo sát thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam" - CAMS 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các đơn vị liên quan đã đánh giá cảm nhận của người dân về các chỉ số như chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, quyết định giá cả, hiệu quả của các chương trình bình ổn giá, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đánh giá về một số dịch vụ công….

Cụ thể trong 1.600 phản hồi, có 89% ủng hộ mô hình kinh tế thị trường; 71% ủng hộ sở hữu tư nhân trong nền kinh tế và 94% yêu cầu minh bạch trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách tại Việt Nam.

Đây là mức tăng nhẹ so với kết quả khảo sát CAMS năm 2011 (kết quả tương ứng là 87%, 69% và 92%).

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết đa số người tham gia khảo sát CAMS 2014 đánh giá cao chất lượng một số dịch vụ do khu vực tư nhân cung cấp (y tế, giáo dục, công chứng…). Đồng thời, đa số phản hồi (99%) ủng hộ chủ trương chuyển giao một số dịch vụ công sang khu vực tư nhân, tuy nhiên, vẫn mong muốn có kiểm soát về chất lượng và giá cả.

Theo ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính thì điều này không hề mâu thuẫn, bởi người dân một mặt vẫn muốn thị trường hóa, tuy nhiên, trong bối cảnh một số ngành, lĩnh vực còn có sự độc quyền hoặc chưa có cạnh tranh thật sự thì vẫn cần có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước. Ông Độ cho rằng với các mặt hàng thiết yếu thay vì kiểm soát chi phí, chạy theo bình ổn giá qua từng lần điều chỉnh thì cần thiết phải xây dựng thị trường cạnh tranh thực sự.

Các tác giả của CAMS 2014 cho biết có 29% người được hỏi cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua là nhanh. Trong khi đó, 36% người được hỏi lại đánh giá tốc độ này còn chậm.

Một điểm đáng chú ý là đa số người dân được khảo sát (75%, tăng 7% so với năm 2011) vẫn mong muốn Nhà nước có chính sách can thiệp, bình ổn do lo ngại sẽ bị ảnh hưởng bởi những khiếm khuyết của thị trường.

Theo ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI), sau gần 30 năm đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã từng bước hình thành ở Việt Nam, và cho dù chưa hoàn thiện, còn rất nhiều việc cần phải làm nhưng cơ chế thị trường đã có sức thuyết phục với đông đảo người dân.

Cần có thị trường cạnh tranh thật sự

Việc loại bỏ những lực cản, cải cách thể chế, hình thành và vận hành một nền kinh tế thị trường đầy đủ được lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm và đang có lộ trình thực hiện.

Cụ thể, trong phiên họp Chính phủ dịp đầu năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định kinh tế thị trường là phải thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, việc xã hội hóa không có nghĩa là Nhà nước không can thiệp, không lo cho người nghèo. Thủ tướng Chính phủ quyết liệt nêu ra vấn đề là cần phải làm rõ kinh tế thị trường là thế nào, định hướng XHCN là thế nào, phải cụ thể, không nói chung chung.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng để chuyển sang mức một nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn thì cần phải cải cách thể chế. Về thực chất, quản lý Nhà nước phải được cải cách, phát triển “đủ mạnh”, kịp với tốc độ phát triển của quan hệ kinh tế thị trường, trong đó các cơ chế vận hành và sở hữu phải có sự thay đổi rõ rệt.

Còn TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay vẫn còn những lực cản, do vấn đề lợi ích cục bộ. Điều kiện cốt lõi là Nhà nước phải thúc đẩy được thị trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, giảm thiểu cơ chế xin cho….

Đại diện cơ quan chủ trì cuộc khảo sát, ông Vũ Tiến Lộc cũng nhận định dù đã có nhiều kết quả tích cực, nhưng qua khảo sát, có thể thấy vẫn còn khoảng cách giữa đổi mới chính sách và đòi hỏi của thực tiễn. Theo ông Lộc, các cơ quan chính quyền cần tập trung nhiều hơn nữa vào chức năng kiến tạo.

Hiến pháp 2013, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Nghị quyết 19 của Chính phủ và các nỗ lực đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, EVFTA… đang tạo ra những động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi nền kinh tế.

“Tôi tin rằng quá trình đổi mới, chuyển đổi đang được tăng tốc, và kết quả khảo sát CAMS 2014 cho thấy sự gặp nhau giữa niềm tin và ý nguyện của người dân với chương trình cải cách của Chính phủ”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.