Nghìn lẻ một kiểu bế tắc xử lý nợ xấu

Theo chân cán bộ tín dụng đến tìm hiểu thực tế tài sản thế chấp của nhóm doanh nghiệp thuộc Công ty Thép Vạn Lợi (Hải Phòng) - tổ hợp sản xuất và thương hiệu nổi bật một thời…

24/07/2015 09:09

Theo chân cán bộ tín dụng đến tìm hiểu thực tế tài sản thế chấp của nhóm doanh nghiệp thuộc Công ty Thép Vạn Lợi (Hải Phòng) - tổ hợp sản xuất và thương hiệu nổi bật một thời…

Một góc nhà máy của tổ hợp Thép Vạn Lợi. Cả khu nhà máy rộng lớn phơi mưa nắng nhiều năm qua, như một điển hình rỉ sét nguồn lực của nền kinh tế kẹt trong nợ xấu.

Từ xa, khu nhà máy vọng tiếng rộn rã như công xưởng đang cao điểm sản xuất. Kỳ thực, đến gần, cả khu nhà máy rộng lớn để hoang, không một bóng người. Mái lợp loang lổ thủng, nước đọng, nhà xưởng và máy móc rỉ sét.

Tiếng vọng rộn lên là từ những tấm lợp quăng quật trước gió. Còn nợ xấu của tổ hợp này đã hơn bốn năm rồi không “quăng” đi được.

Muôn kiểu bế tắc

Những năm 2007 - 2008, tổ hợp sản xuất thép Vạn Lợi nổi bật trên thị trường về quy mô sản xuất, sức cạnh tranh mạnh… Nhiều ngân hàng tham gia tiếp vốn. Rồi nợ xấu bắt đầu phát sinh từ tháng 10/2011.

Đã bốn năm qua các công đoạn xử lý đều gần như bế tắc. Có khoản đã có bản án, có những khoản đã nộp hồ sơ nhưng tòa chưa thể mở. Bởi đến nay, như Công ty Thép Nam Đô, các ngân hàng không biết đang ở đâu.

Tòa yêu cầu xác minh địa chỉ, xác minh xong, doanh nghiệp lại đổi. Cuộc rượt đuổi xác minh này đến nay chưa kết thúc. Cả khu nhà máy rộng lớn vẫn phơi mưa nắng, như một điển hình rỉ sét nguồn lực của nền kinh tế kẹt trong nợ xấu.

Vạn Lợi gặp khó khăn và phải ngừng sản xuất đã đành. Tại Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại và dịch vụ Ngọc Hầu (An Giang), nợ xấu phát sinh đã lâu mà chủ doanh nghiệp thong dong không chịu trả, theo lời cán bộ tín dụng.

“Thực tế cả vùng này chỉ có mỗi chiếc xe Hummer, lượn suốt, mà chỉ có ông Giám đốc Ngọc Hầu đó đi thôi. Vẫn đi xe đắt tiền mà không chịu trả nợ ngân hàng như vậy đấy”, cán bộ tín dụng phụ trách khoản vay này ấm ức.

Cũng tại An Giang, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trương Gia Nghi từng là đơn vị đi đầu trong xã hội hóa đầu tư cho giáo dục. Ngân hàng ưu tiên cho vay và nhận thế chấp trường học.

Mấy năm qua, Trương Gia Nghi phát sinh nợ xấu. Ngân hàng tiến hành khởi kiện. Việc thu hồi tài sản đảm bảo, là trường mầm non, trở nên khó khăn vì đang có hơn 500 cháu theo học. Oái ăm hơn, khi tiến hành tố tụng ngân hàng mới phát hiện công ty đã bán trường cho huyện. Lại thêm tranh chấp với chính quyền…

Tương tự, mối liên hệ với chính quyền và cơ quan nhà nước cũng có tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Tĩnh. Khu đất vàng mà ngân hàng đang ngắm đến để thu hồi nợ xấu lại khó giải quyết, khi vấn đề sở hữu phải có tiếng nói của UBND tỉnh, rồi cả “ông lớn” là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Thành sự… nhờ tòa

Theo quy trình xử lý nợ xấu, với cơ chế hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước mở ra những năm gần đây, khi có biểu hiện khó khăn, ngân hàng và doanh nghiệp sẽ ngồi lại tìm hướng tháo gỡ: ân hạn, giảm lãi, cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm…

Nhiều khoản vay đã qua các bước đó nhưng vẫn thành nợ xấu. Quá trình tố tụng phải tiến hành. Ngoài những trường hợp bất hợp tác hoặc doanh nghiệp bỏ trốn như ở trên, vai trò của tòa án và thi hành án có tính chất quyết định.

Thế nhưng, ở khâu tố tụng, cũng có nhiều vụ việc oái ăm và bế tắc.

Cán bộ công nợ một ngân hàng thương mại dẫn ví dụ: có những trường hợp tòa yêu cầu phải nộp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bản gốc mới xử lý hồ sơ. Ngân hàng có hàng trăm chi nhánh, cùng lúc xử lý hàng chục khoản nợ xấu qua tòa, lấy đâu ra bản gốc theo yêu cầu trên. Việc xử lý nợ xấu đôi khi tắc ngay ở khâu tưởng như không có thật như vậy.

“Phải sau khoảng 9 năm trời mới có được thông tư hướng dẫn việc xử lý tài sản đảm bảo, quy định phối hợp giữa các ban ngành chức năng. Nhưng nói thật, khi đi vào thực tế, quá trình tố tụng và thi hành án đến nước ngân hàng “quỳ xuống” cũng không xong”, cán bộ công nợ trên nói, với ý dẫn lại ví von của LS. Trương Thanh Đức (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng) mới đây - “ngân hàng đứng cho vay, quỳ thu nợ”.

Ngay cả khi các ngân hàng tưởng như sắp qua được cửa tòa, nhiều vụ việc lại phải xóa đi làm lại từ đầu, dù đã mất vài ba năm theo đuổi.

Như tại Công ty Cổ phần Khách sạn Hoàng Cung (Huế), cả Agribank, VietinBank và Vietcombank đều đang mắc kẹt nhiều năm qua. Theo lời cán bộ tín dụng phụ trách, doanh nghiệp chây ỳ và không hợp tác đã đành, quá trình tố tụng trở nên bế tắc khi có thêm rủi ro mới.

Sau gần ba năm theo đuổi, tưởng như tòa sẽ mở, nhưng vụ việc lại xuất hiện tình huống oái ăm: khách sạn Hoàng Cung xẩy ra hai tranh chấp nội bộ, về người đại diện và về giao dịch cổ phần. Ba năm theo đuổi của các ngân hàng bị “xóa”, tòa yêu cầu chờ kết quả giải quyết hai tranh chấp nội bộ trước, mà không rõ đến bao giờ mới xong.

Hay tại Thái Bình, năm 2011, cả 5 ngân hàng cho vay đều khởi kiện xí nghiệp dệt Hồng Quân. Sau 3 năm thì có bản án, 2 năm rồi chưa thi hành án được. Vụ việc trở nên phức tạp hơn khi cả phía tòa, cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương thận trọng khi xí nghiệp này có loạt đơn khiếu nại, thậm chí kiện ngược trở lại ngân hàng…

Tại đại hội đồng cổ đông của một ngân hàng thương mại đầu tuần này, phía hội đồng quản trị tự tin trấn an cổ đông rằng, phần lớn các khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, với “nghìn lẻ một kiểu bế tắc” như trên, xử lý được nợ xấu là cả một quá trình gian nan, nhất là khi còn phụ thuộc vào nhiều đầu mối khác.

Vậy nên, như trường hợp của Công ty Thép Vạn Lợi, những khu nhà máy rộng lớn cùng máy móc thiết bị phơi mưa nắng bao năm nay vẫn là điển hình của sự rỉ sét nguồn lực của nền kinh tế gắn với nợ xấu.

Tổng quy mô sự rỉ sét này hiện có thể tới trên 200.000 tỷ đồng.