Nghị định 139/2007/NĐ-CP: Tạo thuận lợi trong kinh doanh, nhanh gọn trong chuyển đổi hình thức doanh nghiệp

Chính phủ vừa có Nghị định số 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp liên quan đến thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp.

22/10/2012 00:00

Chính phủ vừa có Nghị định số 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp liên quan đến thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp.

Nghị định quy định cụ thể danh mục 14 ngành, nghề cấm kinh doanh, các ngành, nghề cấm kinh doanh khác được quy định tại các luật, pháp lệnh và nghị định chuyên ngành.

Điều kiện thành lập của doanh nghiệp?

Tất cả các tổ chức là pháp nhân, gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, không phân biệt nơi cư trú và quốc tịch, nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp, đều có quyền: thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp đều có quyền góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp với mức không hạn chế  theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp trừ những trường hợp khác đã được quy định cụ thể. Các cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối không được sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước để góp vốn, mua cổ phần và thành lập doanh nghiệp để thu lợi riêng.

Về điều kiện kinh doanh, trước hết, doanh nghiệp cần có giấy phép kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; chứng chỉ hành nghề; chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; xác nhận vốn pháp định và các chấp thuận khác cũng như các yêu cầu phù hợp khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Doanh nghiệp cần lưu ý là giấy chứng chỉ hành nghề được cấp ở nước ngoài không có hiệu lực thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Đối với ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định, thì mức vốn pháp định cụ thể sẽ do cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về vốn pháp định áp dụng theo các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Tổ chức, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp theo quy trình nhanh gọn, phù hợp với thực tế

Nghị định quy định rõ các hình thức chuyển đổi doanh nghiệp như công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phép chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển đổi thành công ty cổ phần... Tất cả các quá trình này đều phải tuân thủ theo pháp luật, nộp hồ sơ chuyển đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước quản lý đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ chuyển đổi, cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước quản lý đầu tư phải cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư tương ứng. Đồng thời, thu hồi lại hai loại giấy tờ này đã cấp đối với công ty được chuyển đổi.

Theo Website Chính phủ