Ngành thép Anh “ngồi trên lửa”
14/04/2016 08:40
Chưa bao giờ ngành thép Anh lại rơi vào khó khăn như hôm nay. Lý do chính là inh tế suy giảm, nhu cầu sử dụng thép nội địa của Trung Quốc chững lại; một lượng lớn thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào đã khiến ngành thép Anh không thể đứng vững.
Theo số liệu thống kê của Anh, nước này đã nhập của Trung Quốc 826.000 tấn thép năm 2015, tăng từ mức 361.000 tấn hai năm trước.
Ngành thép của Anh thực sự rơi vào cơn bĩ cực kể từ hồi tháng 3 khi “đại gia” thép Ấn Độ là Tata quyết định bán các nhà máy tại Anh của họ đang bị thua lỗ tới 2,8 tỷ USD trong 5 năm qua. Riêng với bản thân nước Anh, không chỉ mất một nguồn thu tương đối lớn ở liên doanh đã tồn tại gần một thập niên này mà quan trọng hơn khoảng 20 ngàn lao động đã mất việc làm. Giới lãnh đạo Tata cũng đang rất đau đầu bởi đến nay cũng chưa có đối tác nào chịu mua lại nhà máy của họ tại Anh khi số tiền lỗ mỗi ngày của hãng này lên tới 1 triệu bảng, tương đương 1,4 triệu USD.
Trong một nỗ lực để giải cứu ngành thép trong nước, tuần trước Chính phủ Anh tuyên bố rằng các dự án công sẽ ưu tiên sử dụng thép trong nước. Mặt khác, Chính phủ cũng sẽ đưa ra các biện pháp nhằm tạo ra sự bình đẳng giữa thép nội và thép ngoại. Nếu như trước đây, Chính phủ Anh có thể bảo vệ ngành thép trong nước thông qua việc áp đặt mức thuế cao đối với thép nhập khẩu. Nhưng giờ đây, họ không thể làm vậy vì xu thế toàn cầu hóa. Tuy nhiên, Chính phủ Anh cho biết họ cũng không loại trừ khả năng kiện hành động bán phá giá của Trung Quốc lên WTO.
Viện dẫn câu chuyện ngành thép của Anh tới thực trạng ngành thép VN có vẻ như khá tương đồng. Ngành thép Việt gần đây cũng chịu sự cạnh tranh không bình đẳng với một lượng lớn thép được nhập khẩu từ Trung Quốc. Cuối năm ngoái, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã ra Quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài. Nhưng từ đó tới nay, ngành thép vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn. Trong hoàn cảnh hiện nay, việc sử dụng các biện pháp tự vệ là điều cần thiết nhưng về lâu dài, nội lực mới là yếu tố để quyết định sự tồn vong của DN ngành thép. DN phải tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ thì mới có cơ cạnh tranh song phẳng với thép nhập ngoại.