Nâng cao khả năng cạnh tranh của thép Việt Nam bằng cách nào?
22/10/2012 00:00
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, về lĩnh vực xây dựng cơ bản, Nhà nước đã phải điều chỉnh đầu tư tăng 1.800 tỷ đồng do giá thép tăng. Giá thép tăng còn kéo theo nhiều hệ quả, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế xã hội.
Bộ Công Thương cho biết, mặc dù ngành công nghiệp thép Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 18%/năm nhưng quy mô còn nhỏ bé, phân tán và trình độ công nghệ vẫn ở mức trung bình thấp. Chính vì vậy mà khả năng cạnh tranh thấp, thị trường phụ thuộc bên ngoài, giá thép luôn bấp bênh khó kiểm soát khiến cả người tiêu dùng và DN đều thiệt hại. Việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thép đang là đòi hỏi bức thiết. Song, theo nhiều chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cần phải nhìn nhận, đánh giá cụ thể để có những chính sách phù hợp.
Đầu tiên là vấn đề đầu tư sản xuất phôi
Đây là khâu đầu rất quan trọng ảnh hưởng nhiều tới sản xuất và cạnh tranh của sản phẩm thép. Đáng ra nó phải được quan tâm đâu tư sớm. Tuy nhiên trong nhiều năm trước đây do cách làm “ăn sổi” nên khâu này đã bị bỏ quên. Mặc dù không một diễn đàn nào về phát triển công nghiệp liên quan đến ngành thép lại không nhắc tới điệp khúc thiếu phôi. Vậy là, thiếu phôi thì phải đầu tư nhưng thay vì khởi động bằng các dự án liên kết quy mô lớn, thì các nhà đầu tư lại tách "riêng một góc trời" với những nhà máy mini... Theo Hiệp hội Thép Việt Nam thì thực tế, sản xuất phôi thép năm 2006 mới chỉ ở mức 1,4 triệu tấn, đáp ứng khoảng 40% tổng nhu cầu.
Chính vì phụ thuộc phần lớn vào việc đi mua nên mỗi khi giá phôi nhập khẩu tăng, ngành thép trong nước lại nhao lên tăng giá. Điều đó không chỉ làm thất thiệt cho người tiêu dùng và DN mà còn gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá (vì thép nằm trong rổ hàng hoá tính chỉ số giá tiêu dùng).
Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu về thép rất cao. Hiện các nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm đến sản xuất phôi thép - một phân khúc không kém phần màu mỡ. Chỉ tính riêng trong 6 tháng qua, đã có ít nhất 4 nhà máy phôi ra đời.
Một nhà máy ở Hải Phòng, một nhà máy ở Hà Tĩnh đón nguồn quặng Thạch Khê và hai nhà máy ở Bắc Kạn. Chưa kể, một dự án phôi khác của một DN thép đã lên sàn chứng khoán cũng đang hoàn thiện mặt bằng ở Hải Phòng. Còn nếu kể cả trong dự định thì rất nhiều DN thép cán cũng đang lên kế hoạch làm phôi.
Điều đáng nói, nếu các nhà hoạch định chính sách, các DN không có một chính sách, chiến lược phát triển phù hợp, thực tế thì rất có thể sẽ đi phải vết xe của một số ngành, đó là đầu tư ồ ạt nhưng công nghệ manh mún, lạc hậu...
Đến khâu sản xuất thép
Có thể nói, ngành công nghiệp sản xuất thép đã phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, có một lực lượng khá hùng mạnh, gồm cả các nhà máy trong nước và các nhà máy liên doanh. Song, theo Bộ Công Thương, hiện nay các DN luyện gang vẫn sử dụng lò cao công suất nhỏ; công nghệ luyện thép phần lớn sử dụng lò điện công suất dưới 30 tấn/mẻ. Công nghệ cán thép vẫn là các nhà máy cán thép dài có quy mô dưới 200.000 tấn/năm; cán thép dẹt mới chỉ có nhà máy cán nguội Phú Mỹ công suất 400.000 tấn/năm, còn lại các DN khác vẫn sử dụng nhà máy có công suất nhỏ, trình độ công nghệ và thiết bị trung bình nên các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật còn kém, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp... Trong khi đó, Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm thép từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản do tác động của việc gia nhập WTO, mở rộng AFTA. Đặc biệt, các DN trong nước phải đối mặt với những thách thức từ ngành thép Trung Quốc. Họ đang xuất khẩu thép với giá thành thấp, cung vượt cầu trên thị trường nội địa và nâng giá nguyên liệu đầu vào đối với các nước trong khu vực...
Tại hội thảo “Công nghiệp thép Việt Nam trong bối cảnh hội nhập WTO” do Viện Chiến lược chính sách công nghiệp (IPSI) phối hợp cùng Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) tổ chức hôm 2/8, các diễn giả tham gia hội thảo đều nhất trí rằng ngành thép Việt Nam muốn hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải ứng dụng công nghệ sản xuất sạch.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, mô hình công nghệ Fastmelt hiện nay được coi là một trong những mô hình luyện thép phù hợp nhất với điều kiện và yêu cầu phát triển của ngành thép Việt Nam. Fastmelt là công nghệ lò quay quy trình khép kín, có ưu điểm lớn là tiết kiệm năng lượng và tận thu hết thép trong quặng. Tỷ lệ tận thu đạt trên 90% và mức độ thu hồi khói, bụi, khí ô nhiễm đạt 99%, trong 8 năm đã có thể hoàn vốn. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư cao, từ 250 triệu USD cho một lò luyện thép công suất 200 ngàn tấn thép/năm, vượt ngoài khả năng của hầu hết các DN sản xuất thép Việt Nam.Â
Để giải quyết khó khăn về vốn, một số giải pháp đã được đề xuất. Theo đó các DN sản xuất thép vừa và nhỏ nên tập hợp lại để tập trung nguồn vốn đầu tư cho công nghệ hiện đại. Tập đoàn Sojitz cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ tài chính dưới nhiều hình thức khác nhau cho ngành thép Việt Nam ứng dụng công nghệ Fastmelt.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo ngành thép nên tập trung xây dựng hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại và không khuyến khích DN gia công thép ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các DN sản xuất cần đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh hội nhập.
Hiện nhiều DN nước ngoài đang có dự án xin đầu tư vào sản xuất thép tấm, thép lá tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Trong số này, đáng chú ý là Tập đoàn thép Tata (ấn Độ) - một trong 6 tập đoàn thép lớn trên thế giới, đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD để xây dựng Nhà máy liên hợp thép Hà Tĩnh (gắn với mỏ sắt Thạch Khê), công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn, thép tấm/năm. Đó có thể sẽ là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới của ngành thép Việt Nam.
(Nguồn: VEN)