Nan giải phòng vệ thương mại trong ngành thép
19/04/2016 11:16
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch HH Thép Việt Nam, khẳng định việc áp dụng phòng vệ thương mại phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, sản xuất trong nước và người tiêu dùng.
Ngành sản xuất tôn thép Việt Nam trong 10 năm qua phát triển khá nhanh và hiện nay với năng lực sản xuất phôi thép đạt hơn 20 triệu tấn các loại. Với năng lực như vậy, Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong khối Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan. Nếu như nhà máy Formosa đi vào sản xuất thì Việt Nam có thể dẫn đầu Đông Nam Á về sản xuất thép.
Tuy nhiên, hoạt động tiêu thụ tôn thép trong nước thời gian qua lại chưa đạt được như kỳ vọng. Theo dõi của Hiệp hội Thép gần đây cho thấy, riêng phôi thép và thép xây dựng mới sản xuất khoảng 55% công suất.
Thứ nhất là do thị trường có khó khăn nên các doanh nghiệp phải tiết giảm công suất. Thứ hai là thép trong nước phải cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc, gian lận thương mại trong kinh doanh tôn thép, ảnh hưởng tới thị trường thép Việt Nam.
Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa quen với phòng vệ thương mại, chủ yếu vẫn là kiến nghị Chính phủ có chính sách bảo hộ cho doanh nghiệp.
Khó khăn từ thị trường trong nước là thế còn về xuất khẩu, lâu nay các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nào thì bị nước đó lập hàng rào thương mại như: trợ cấp chính phủ, áp thuế chống bán phá giá, phòng vệ thương mại đến đó. Riêng trong năm 2015, Hiệp hội Thép thống kê có tới 12 vụ kiện như vậy.
Vừa qua, các doanh nghiệp ngành thép đã có đơn kiện phòng vệ thương mại lên Chính phủ và sau một thời gian xem xét, Bộ Công Thương đã tạm thời áp thuế phòng vệ với phôi thép và thép dài.
Việc phòng vệ thương mại là rất cần thiết, bởi nó sẽ giúp bảo vệ được ngành sản xuất thép trong nước. Quan điểm của Hiệp hội, cũng như các doanh nghiệp là muốn xây dựng ngành thép đồng bộ, hiện đại, ít lệ thuộc vào nước ngoài để phát triển chứ không phải là một ngành thép gia công.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư lớn vào các khâu thượng nguồn như sản xuất phôi thép, khi có những biến động bất thường, nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ, biện pháp phòng vệ thương mại cần thiết.
Tuy nhiên, việc áp dụng phòng vệ thương mại phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, sản xuất trong nước và người tiêu dùng. Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp ngành thép cần phải hợp tác với nhau để giữ thị trường lành mạnh.
Nếu không cân đối được lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng thì sử dụng công cụ phòng vệ là không hiệu quả, việc bảo vệ sản xuất trong nước sẽ trở nên khó khăn.
Việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước bằng phòng vệ thương mại, các lợi ích có thể sẽ không đồng nhất. Đơn cử như việc áp thuế tự vệ tạm thời với phôi thép trong thời gian vừa qua.
Trong một dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp sản xuất phôi rất hoan nghênh chủ trương này, còn doanh nghiệp cán thép lại mất nguồn nhập phôi giá rẻ về để sản xuất nên sẽ không hoan nghênh. Hay doanh nghiệp phân phối, họ cũng mất đi nguồn nhập nguyên liệu.
Như vậy, về ngắn hạn, các doanh nghiệp cần chia sẻ lợi ích. Còn về dài hạn thì cần sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, công nghệ đồng bộ và hiện đại, khép kín, tránh phụ thuộc nước ngoài.
Đến nay, ngành thép trong nước mới bắt đầu kiện phòng vệ với phôi thép và thép dài; sau này sẽ tiến tới thực hiện kiện phòng vệ với tôn, thép lá, tôn mạ màu...
Để đối mặt với nguy cơ tôn thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam, Hiệp hội Thép Đông Nam Á luôn đối thoại và phản đối kịch liệt thép Trung Quốc giá rẻ nhập vào.
Trong đó, chưa kể đến gian lận thương mại như thép chứa nguyên tố Boron, Crôm... để thành thép hợp kim, các doanh nghiệp được hưởng thuế suất 0% khi vào Việt Nam.
Chính vì vậy, sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước, hiệp hội và các doanh nghiệp là rất quan trọng. Bằng chứng là vừa qua, Hiệp hội Thép đã ký văn bản với các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không tăng giá bán các mặt hàng thép và các đại lý của doanh nghiệp cũng vậy.
Xét về lâu dài, các công cụ phòng vệ thương mại chỉ mang tính tự vệ một cách bị động. Để có thể chủ động hơn khi cạnh tranh với thép Trung Quốc giá rẻ và để các sản phẩm tôn thép trong nước khi xuất khẩu hạn chế được tình trạng kiện phòng vệ, bản chất của vấn đề là phải xây dựng ngành thép đồng bộ, hiện đại, quy mô và có tính cạnh tranh cao.
Mặc dù quy mô còn nhỏ, không bằng các tập đoàn lớn của thế giới, nhưng công nghệ cao nhất thì chúng ta đã có lò điện 120 tấn/mẻ, cán 80m/s... nhưng vẫn còn đó những công nghệ lạc hậu.
Chúng ta cần loại bỏ dần những công nghệ lạc hậu và những doanh nghiệp yếu kém để có quá trình tích lũy, tập trung những doanh nghiệp mạnh, nhóm doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh.
Trong nhiều năm tới, các doanh nghiệp phải tự nâng cao công nghệ, tiến tới giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Đơn cử như tôn mạ Hoa Sen, với công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp, có thể coi là lớn trong khối Đông Nam Á, xuất khẩu tới 40% sản phẩm ra các thị trường.
Các doanh nghiệp sản xuất phôi và thép dài trong nước cần có kế hoạch tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong Hiệp hội, giữ giá bán hợp lý, ổn định thị phần mỗi doanh nghiệp, ổn định thị trường nội địa.
Đồng thời, hợp tác với cơ quan Nhà nước và Văn phòng hiệp hội đáp ứng các yêu cầu cung cấp chứng cứ, tài liệu, số liệu sản xuất - kinh doanh... nhằm đánh giá tổng thể vụ việc để có kết luận cuối cùng của Bộ Công Thương theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cũng cần nhân cơ hội kiện phòng vệ thương mại này để cải tiến sản xuất, tái cơ cấu doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm để tăng cạnh tranh.../.