Mỹ phản đối trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc

Mỹ sẽ không tự động trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc tại hội nghị của WTO vào ngày 11/12 tới.

20/07/2016 14:03

Mỹ sẽ không tự động trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc tại hội nghị của WTO vào ngày 11/12 tới.

Các quan chức thương mại Mỹ cho rằng, những cải cách thị trường của Trung Quốc vẫn chưa được như mong đợi, đặc biệt là trong ngành công nghiệp nhôm và sắt thép - lĩnh vực mà sự can thiệp của nhà nước đã dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung và công suất, đe dọa đến ngành công nghiệp nhôm và sắt thép của các nước khác trên thế giới.

Giới chức Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho biết đây là lần đầu tiên Mỹ phản ứng lại Trung Quốc về vấn đề trên tại WTO.

Trước đó, Mỹ cũng công khai phản đối Liên minh châu Âu (EU) trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Từng trao đổi trên Đất Việt về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế thế giới, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, hành động của Mỹ xuất phát từ việc họ quan niệm, mọi thứ phải theo chuẩn, thị trường phải cho đúng thị trường, được hay thua phải công khai, minh bạch chứ không thể mặc cả.

"Để được công nhận là nền kinh tế thị trường, phải đảm bảo 3 điểm quan trọng nhất:

Thứ nhất, Nhà nước không được can thiệp có tính chất mệnh lệnh hành chính vào nền kinh tế;

Thứ hai, Ngân hàng Trung ương phải rõ ràng, minh bạch các chính sách về tỷ giá và lãi suất mà không được can thiệp;

Thứ ba, khu vực DNNN đúng ra phải tư nhân hóa, nhưng nếu còn thì phải đối xử công bằng với các khu vực tư nhân và nước ngoài.

Xét từng điều kiện, chưa thể công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Nhà nước Trung Quốc vẫn can thiệp nhiều, thậm chí theo quan điểm khắt khe của người Mỹ, Trung Quốc vẫn còn hành động thao túng thị trường", ông Sơn cho biết.

Vị chuyên gia nhận định, chừng nào chưa công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường thực thụ thì Mỹ vẫn còn nắm giữ một "bảo bối" trong quan hệ với Trung Quốc để ép Bắc Kinh phải chơi cho công bằng.

Vào tháng 5/2016 vừa qua, Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua nghị quyết bác bỏ việc trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Lý do là năng lực sản xuất dư thừa và xuất khẩu các mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc đang gây ra "những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, tình hình kinh tế xã hội" cho các nước EU.

Nghị quyết cũng cho biết 56/73 biện pháp chống bán phá giá hiện nay của EU là nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Việc có trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc hay không được coi là quyết định chiến lược ảnh hưởng đến tương lai của nền kinh tế châu Âu. Theo nghiên cứu, nếu công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường thì EU sẽ mất đến 3,5 triệu việc làm.

Ngay từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, EU đã coi nền kinh tế Trung Quốc không phải là kinh tế hàng hóa. Kể từ đó, Trung Quốc đã tiến hành những cải cách để nhận được thỏa thuận với EU rằng EU sẽ xem xét về trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc vào cuối năm 2016.