Mức thuế chống bán phá giá vẫn chỉ “lấy lệ”(?!)

Ngày 5.9.2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá. Đây là lần đầu tiên VN áp dụng mức thuế chống bán phá giá với mặt hàng thép cán nguội không gỉ nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, mức thuế chống bán phá giá này chỉ là “lấy lệ”, vì quá thấp.

01/10/2014 16:24

Ngày 5.9.2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá. Đây là lần đầu tiên VN áp dụng mức thuế chống bán phá giá với mặt hàng thép cán nguội không gỉ nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, mức thuế chống bán phá giá này chỉ là “lấy lệ”, vì quá thấp.

Doanh nghiệp phải biết cách tự bảo vệ

Theo ông Lê Sỹ Giảng - chuyên gia về điều tra chống bán phá giá - việc dựng hàng rào bảo vệ hàng hoá SX trong nước là tất yếu, nhưng cũng cần phải cân nhắc để DN trong nước trưởng thành được. Áp thuế chống bán phá giá, sẽ có một đối tượng bị ảnh hưởng quyền lợi từ vấn đề này là các DN nhập khẩu thép sẽ phải chấp nhận nhập hàng hóa cao hơn, phải tìm nguồn cung, đối tác mới, phải tính lại kế hoạch kinh doanh.

Trưởng phòng điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của DN trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) Phạm Châu Giang cho rằng: “Rất khó để áp thuế chống bán phá giá ở mức cao đối với những mặt hàng nhập khẩu vào VN có hiện tượng bán phá giá”. Hiện, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng với mặt hàng thép cán nguội không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc từ 4,64-6,87%, Indonesia: 3,07%, Malaysia: 10,71%, Đài Loan: 13,79-37,29%... cho thấy, mức thuế trên là quá thấp. Trong khi đó, một số mặt hàng xuất khẩu của VN bị áp thuế chống bán phá giá rất cao.

Dường như các nước khác muốn áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng VN bao nhiêu thì được bấy nhiêu. Theo bà Giang, mức thuế chống bán phá giá với mặt hàng thép không gỉ được tính theo quy định trong pháp lệnh về chống bán phá giá của VN, khớp với Hiệp định chống bán phá giá của WTO. Được biết, sau khi đưa ra kết quả biên độ tính chống bán phá giá trên, rất nhiều DN thép phản đối, bởi chưa bao giờ có vụ điều tra chống bán phá giá nào đặc biệt trong ngành thép mà biên độ chống bán phá giá đưa ra lại thấp như vậy.

Cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra

Đại diện Cty CP quốc tế Sơn Hà, ông Đàm Quang Hùng, cho biết, thuế chống bán phá giá tạm thời mới chỉ có hiệu lực từ ngày 25.1.2014, nhưng các nhà SX trong nước đã tăng giá bán và áp dụng các điều kiện thương mại bất lợi cho khách hàng. Trong khi đó, giá thép cán nguội không gỉ từ các quốc gia bị áp thuế tăng cao và DN vẫn phải nhập khẩu từ các nguồn này. Mua nguyên liệu giá cao, buộc DN phải tăng giá bán các sản phẩm gia dụng inox, làm ảnh hưởng đến sức mua cũng như khả năng bán hàng của các DN.

Theo một số chuyên gia, có điểm khác biệt lớn khi VN bị kiện và đi kiện. Trong các vụ bị kiện, thông thường, các nước Mỹ, EU... không sử dụng bảng giá bán thực tế của VN, như mặt hàng tôm của VN bị áp thuế chống bán phá giá 20%, VN không bán tôm trong nước thấp hơn giá bán ở nước ngoài đến 20% và mức giá này là do Mỹ, EU sử dụng bảng giá của nước thứ 3 thay thế cho bảng giá bán tại VN.

Ngược lại, khi VN điều tra chống bán phá giá các nước, rất khó áp mức thuế cao, nhất là các nước thuộc ASEAN. VN đã ký hiệp định về việc công nhận các nước thuộc ASEAN là nền kinh tế thị trường. Khi ký hiệp định này, chúng ta có lợi thế - là khi họ điều tra chống bán phá giá sản phẩm của nước ta, buộc họ phải sử dụng số liệu của chúng ta, không được phép sử dụng số liệu thay thế như Mỹ, EU điều tra.

Nhưng chúng ta cũng có bất lợi, là khi điều tra họ, chúng ta buộc phải sử dụng số liệu của họ, không thể sử dụng số liệu thay thế từ một nước thứ 3. Do vậy, để bảo vệ được mình trong việc chống bán phá giá, các DN cần hợp tác chặt với các cơ quan điều tra trong quá trình xử lý vụ kiện chống bán phá giá.