Một số ý kiến về tổ chức quản lý đối với Doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu

22/10/2012 00:00

1- Đặt vấn đề.

Nếu như đối với DNNN, bộ máy hành chính nhà nước có hai vai trò khác nhau, vừa là chủ thể quản lý nhà nước, vừa là đại diện chủ sở hứu nhà nước thì đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, bộ máy hành chính nhà nước chỉ đóng vai trò là chủ thể quản lý nhà nước. ngoài ra Nhà nước còn có chức năng dịch vụ, hỗ trợ phục vụ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu. Quản lý nhà nước đối với Doanh nghiệp là một chức năng riêng có của Bộ máy nhà nước- chức năng công quyền, mà nội dung chủ yếu của nó là quản lý về mặt luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh chức năng quản lý nhà nước, bộ máy nhà nước với mức độ khác nhau, còn thực hiện chức năng dịch vụ, hỗ trợ cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, phát triển, can thiệp khi cần thiết để bảo hộ hoặc hạn chế những rủi ro có thể ảnh hưởng đến sự phat triển của đất nước. Như vậy cần phân biệt chức năng quản lý nhà nước với các  công việc mà bộ máy nhà nước phải làm đối với doanh nghiệp. cụ thể là đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, không phân biệt hình thức sở hữu, Bộ máy nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý công quyền (chức năng quản lý nhà nước) vừa thực hiện chức năng dịch vụ, hỗ trợ, can thiệp khi cần thiết để bù đắp những khiếm khuyết của thị trường (chức năng dịch vụ).(không kể một số cơ quan trong Bộ máy nhà nước còn có chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và phần vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần, mà trong phạm vi bài này không đề cập đến).

Bộ máy nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng dịch vụ đối với doanh nghiệp thông qua hệ  thống các cơ quan hành chính và sự nghiệp công ở các cấp chính quyền từ Chính phủ đến chính quyền cấp xã, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được phân công, phân cấp theo luật định.

2. Thực trạng tổ chc quản lý DN hiện nay

Bên cạnh những đổi mới, tiến bộ bước đầu theo tinh thần các Luật mới ban hành trong những năm gần đây, về mặt tổ chức quản lý doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang có những tồn tại, bất hợp lý chủ yếu sau đây:

2.1. Chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, mỗi cấp  hành chính nhà nước trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với DN. cụ thể là:

- Việc tổ chức quản lý, phân công, phân cấp xây dựng và quản lý chiến lược, quy hoạch phát triển các loại hình doanh nghiệp theo ngành và theo lãnh thổ còn  nhiều bất hợp lý, tùy tiện. Hiện nay Bộ kế hoạch và Đầu tư, các Bộ quản lý ngành và các cáp chính quyền địa phương đều có nhiệm vụ xây dựng và quản lý chiến lược, quy hoạch nhưng chưa rành mạch, cụ thể, có chỗ trùng chéo, có chỗ  bỏ sót, có chổ quả cụ thể, có chỗ lại quá chung chung. Kết quả là các doanh nghiệp được xây dựng và phát triển tùy tiện, nhất là các DNNN, không phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của từng địa phương, từng ngành; dẫn đến hậu quả tất yếu là sự lãng phí, kém hiệu quả xảy ra tràn lan và rất nghiêm trọng  ở khắp nơi.

Một yếu kém lớn trong công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển doanh nghiệp hiện nay là chưa tính đến đầy đủ  sự kết hợp phát triển giữa 2 khu vực: DNNN và doanh nghiệp ngoài nhà nước trong từng ngành, từng địa phương, mà mới chỉ quan tâm đến khu vực DNNN. Do vậy việc phát triển doanh nghiệp đang được chi phối bởi 2 kênh tách rời nhau: doanh nghiệp ngoài nhà nước thì theo sự điều tiết của thị trường tự do, còn DNNN thì theo ý muốn chủ quan của bộ máy nhà nước ở Trung ương và địa phương. Có thể nói công tác quy hoạch chiến lược hiện nay còn chưa tính đến đầy đủ sự tác động của cac quy luật thị trường và còn coi nhẹ khu vực ngoài nhà nước, do vậy sự phát triển của các doanh nghiệp hiện còn rất tùy tiện, bất hợp lý, chưa có sự cân đối giữa các ngành, nghề, cũng như với nhu cầu của xã hội.

- Việc phân công, phân cấp xây dựng thể chế, chính sách quản lý doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được các bộ quản lý ngành (công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, thương mại...) và các Bộ quản lý lĩnh vực (Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, ...) thực hiện theo chức năng của mình. Còn chính quyền địa phương thì có vai trò cụ thể hóa chính sách, cơ chế quản lý và trong một chừng mực nhất định, được ban hành một số chính sáchd riêng để khuyến khích hoặc hạn chế sự phát triển một số ngành nghề nhất định trong chừng mực không vi phạm pháp luật nhà nước.

Về mặt này, bên cạnh những cố gắng đáng kể của các ngành các cấp trong việc tạo lập một môi trường pháp lý đồng bộ, bình đảng cho họt động của các loại hình doanh nghiệp thì đang bộc lộ những bất hợp lý, không ăn khớp, thiếu đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ ngành khác nhau ban hành, mà nguyên nhân chủ yếu về mặt tổ chức là do sự phối hợp giữa các Bộ ngành chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế cụ thể đẻ ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan phối hợp, nên chủ yếu phụ thuộc vào cơ quan chủ trì .

Hiện nay một số địa phương đã chủ động ban hành một số cơ chế cụ thể để thu hút đầu tư, tạo môi trường pháp lý và dịch vụ thuận lơi cho hoạt động của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhưng lại đang bị sự phê phán, chỉ trích của một số cơ quan ở cấp Trung ương. Có lẽ cần phải có quan điểm rõ hơn về vấn đề này để không làm hạn chế tính năng động, sáng tạo của địa phương trong bối cảnh mới.

- Việc phân công, phân cấp thực hiện chức năng quản lý việc thực thi Luật pháp, chính sách đói với các loại hình doanh nghiệp (đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, kiểm tra viêc chấp hành các quy định của Nhà nước về hoạt động kinh doanh, sử dụng tài nguyên, đất đai, lao động, bảo vệ môi trưòng...) bên cạnh những tiến bộ, đổi mới nhất định theo tinh thần các luật mới sửa đổi, đang còn có những bất hợp lý cần khắc phục. Chẳng hạn việc đăng ký kinh doanh hiện do Ngành kế hoạch & đầu tư đảm nhiệm, trên thực tế mới chỉ quản lý được đầu vào (khi thành lập doanh nghiệp) vì phù hợp với chức năng của ngành này. còn việc quản lý hoạt động thực tế của doanh nghiệp và việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp có phần đang bị bỏ trống vì chưa rõ đây là chức năng, trách nhiệm chính  của cơ quan nào. Do vậy hiện có nhiều doanh nghiệp “ma”, có thành lập mà không hoạt động, không có trụ sở, không có giao dịch tại ngân hàngv.v...

Mặt khác đang có sự không rõ về trách nhiệm quản lý cụ thể của mỗi cấp chính quyền đối với các doanh nghiệp đang hoạt động.

Trong khi đó, đối với DNNN, thì hiện đang vẫn tiếp tục duy trì chế độ Bộ chủ quản và cấp hành chính chủ quản, tức là vẫn có doanh nghiệp thuộc Bộ này, bộ kia, thuộc UBND tỉnh, Thành phố...Trên thực tế, các cơ quan nhà nước vẫn còn can thiệp trực tiếp vào nhiều việc cụ thể của quản lý kinh doanh, vẫn còn thăm hỏi doanh nghiệp nhiều và có khi không đúng chức năng, nhiệm vụ..

Như vậy đang tồn tại hai khuynh hướng trái ngược nhau trong việc thực hiện chức năng quản lý việc thực thi chính sách luật pháp của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp là : với DNNN thì quá cụ thể, tới mức không cần thiết trong khi với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác thì lại quá buông lỏng, mới chỉ chỉ quản lý được đầu vào (khi thành lập doanh nghiệp), còn việc hậu kiểm còn đang còn nhiều hạn chế .

Một vấn đề nữa đang tồn tại trong quản lý doanh nghiệp là việc tổ chức thực hiện sự kết hợp giữa quản lý theo ngành và theo lãnh thổ còn nhiều lúng túng, chồng chéo mag nguyên nhân chủ yếu là do chưa đủ rõ, đủ cụ thể về nội dung, nhiệm vụ, phương thức  phối hợp mà về mặt lý luận chưa được giải quyết. Điều đó dẫn đến hậu quả hai mặt : một là có sự tranh chấp nhiệm vụ hoặc đùn  đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương và hai là gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

 - Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước đối với việc thực thi luật pháp, chính sách của các doanh nghiệp hiện còn khá rắm rối, chưa rõ ràng, mạch lạc về nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm giữa các ngành, các cấp; tình trạng chồng chếo, dẫm đạp lẫn nhau trong khi có những chỗ lại bỏ sót, lỏng lẻo còn tồn tại khá phổ biến, đang gây nên nhiều phiền toái cho doanh nghiệp và suy giảm hiệu lực, hiệu quả qủn lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

2.2. Về thực hiện các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

 Gần đây Chính phủ, các Bộ, Ngành, Chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc gia tăng các dịch vụ hõ trợ, tạo đièu kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh như đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ, ưu đãi  vốn, đất đai, khuyến nông, khuyến lâm, ...Tuy nhiên về mặt này vẫn đang còn nhiều hạn chế, yếu kém; đáng chú ý là:

+ Còn có sự phân biệt giữa DNNN với doanh nghiệp ngoài Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo hộ, ưu đãi ...Các chính sách giải pháp hỗ trợ, dịch vụ đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước còn ít, chưa bình đẳng so với DNNN.

+ Một số giải pháp, chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn mang tính bình quân chung, chưa phân biệt rõ, cụ thể những lĩnh vực hoạt động, những doanh nghiệp hoạt động tốt, cần ưu tiên; một số chỗ còn có những sơ hở, bị lợi dụng, chưa thực sự đưa lại tác dụng, hiệu quả.

3. Một số đề xuất kiến nghị

Để đổi mới vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, hoàn thiện nội dung, phương thức quản lý nhà nước  đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, xét về mặt tổ chức quản lý, cần tiếp tục giải  quyết những vấn đề chủ yếu sau:

3.1. Phân định rõ chức năng, thẩm quyền của các chủ thể thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chưc năng   dịch vụ, hỗ trợ đối với doanh nghiệp nói chung, không phân biệt hình thức sở hữu, cụ thể là:

- Các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương thực hiện quản lý doanh nghiệp theo chức năng của mình , được pháp luật quy định. Nhưng cần tiếp tục rà soát lại chức năng thẩm quyền quản lý doanh nghiệp của các Bộ ngành và UBND các cấp để khắc phục những chồng chéo, hoặc bỏ sót ; phân công, phân cấp rõ ràng, mạch lạc cho các cấp, các ngành trong việc thực hiện từng nội dung, nhiêm vụ của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

- Đổi mới mạnh mẽ chức năng, nhiệm vụ của Ngành Kế hoạch và đầu tư và Ngành tài chính trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp về lĩnh vực quy hoạch, chiến lược và tài chính- ngân sách, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, xoá bỏ cách quản lý kế hoạch và tài chính theo cơ chế cũ, mang nặng tính chủ quan, gò bó, cứng nhắc, cơ chế xin - cho.Nghiên cứu để sắp xếp lại về mặt tổ chức sao cho có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa 2 lĩnh vực hoạt động kế hoạch và tài chính, vốn có liên quan trực tiếp và chặt chẽ với nhau.

- Điều chỉnh lại chức năng, thẩm quyền quản lý doanh nghiệp của các Bộ quản lý ngành (Công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng,...) theo hướng tập trung vào việc xây dựng, ban hành các chính sách cơ chế, các tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật cần thiết của ngành; thực hiện chức năng dịch vụ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động của doanh nghiệp.

- Kiên quyết loại bỏ những nhiệm vụ, thẩm quyền của các Bộ theo chế độ Bộ chủ quản đối với DNNN để xoá bỏ tình trạng con đẻ (DNNN ) và con nuôi ( doanh nghiệp ngoài nhà nước) và xoá bỏ sự can thiệp tuỳ tiện vào hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời còn góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng trong bộ máy quản lý nhà nước.

3.2. Tổ chức lại cơ quan đăng ký thành lập doanh nghiệp, theo hướng là một cơ quan độc lập, tổ chức theo ngành dọc, có thể trực thuộc một Bộ nào đó nhưng hoạt động có tính chất độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và tổ chức nhân sự.

3.3. Tăng cường các hoạt động dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp;Tách các tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ công cho doanh nghiệp khỏi các cơ quan quản lý nhà nước để hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ ; từ đó  tạo điều kiện nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ phục vụ phát triển sản xuất- kinh doanh, mở rộng thị trường, và tạo mối quan hệ đối tác bình đẳng giữa các doanh nghiệp với các tổ chức cung ứng dịch vụ công...

3.4. Tiếp tục sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ và tổ chức nội bộ các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế để giảm bớt đầu mối theo mô hình  đa ngành, đa lĩnh vực, tạo tiền đề thực tế để cắt bỏ dần những công việc không đúng với nội dung, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp,  khắc phục những chồng chéo, không đồng bộ về chức năng, thẩm quyền giữa các cơ quan, từ đó mà nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

3.5. Tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ của quản lý nhà nước đối với daonh nghiệp, nhất là các nhiệm vụ mang tính chất thực thi pháp luật, chính sách và thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các daonh nghiệp trên địa bàn; và kể cả việc ban hành một số chính sách, cơ chế cụ thể để khuyến khích sự phát triển các daonh nghiệp trên cơ sở khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong chừng mực không vi phạm pháp luật chung.

3.6. Tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn về mặt lý luận và thực tiễn của  nội dung quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, phân biệt nó với chức năng quản lý nhà nước và chức năng dịch vụ công của các cơ quan quản lý nhà nước; từ đó mà phân công, phân cấp cụ thể việc thực hiện từng chức năng này cho các cấp, các ngành một cách hợp lý, góp phần tạo “luật chơi “ và “sân chơi “ bình đẳng cho các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu.

Dương Thị Lan Chi - Trung tâm Thông tin Kinh tế - VKT