Một đầu mối quản vốn doanh nghiệp nhà nước: Luẩn quẩn!?
14/06/2016 11:33
Tách các doanh nghiệp kinh doanh ra khỏi bộ chủ quản nhưng vẫn là nhà nước quản lý thì cuối cùng vẫn chỉ là "lỗi tập thể".
Chỉ là thay tên gọi
Mới đây, Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương tiếp tục đưa ra đề xuất xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với DNNN, tiến tới thành lập Ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với mong muốn sẽ tập trung được nguồn lực, sử dụng nguồn lực đúng mục tiêu, hiệu quả, tách được chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước, tức là xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Lê Cao Đoàn - Viện kinh tế Việt Nam nói thẳng "không kỳ vọng và đừng mong chờ có sự thay đổi, thành lập cơ quan nào cũng chỉ là cách thay tên đổi họ chứ không thay đổi được bản chất thật sự".
Đề xuất trên là đề xuất không mới. Ngay từ những năm 1994, đã có đề xuất thành lập một cơ quan ngang bộ để quản lý phần vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp, giải phóng các bộ quản lý nhà nước khỏi chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước. Tuy nhiên nói rồi nhưng không làm được.
Ông Đoàn phân tích, hoạt động của nền kinh tế thường sẽ bị tác động bởi hai tác nhân là: tác nhân vi mô và tác nhân vĩ mô.
Tác nhân vi mô là các hoạt động của các cá nhân, các chủ thể tự có của nền kinh tế thị trường. Nó hoạt động theo cơ chế tự điều hành và tự quản lý vốn của mình. Còn tác nhân vĩ mô là nhà nước quản lý nền kinh tế dựa trên pháp luật, tức là đặt nền kinh tế trong hệ thống pháp luật của nhà nước.
Với một nền kinh tế phát triển bình thường hai tác nhân này sẽ song song, đi ngang cùng phát triển, nhưng nó sẽ bất thường nếu xuất hiện thêm một chủ thể công. Một là chủ thể công cung cấp dịch vụ, hàng hóa và một chủ thể nữa là chủ sở hữu và chủ kinh doanh công.
Ở một nước mà chủ sở hữu và chủ kinh doanh công quá lớn sẽ là vấn đề rất hệ trọng, hệ lụy của nó là sự tụt lùi, kém hiệu quả của các hoạt động kinh tế.
Tại Việt Nam, cơ chế quản lý, điều hành kinh tế tại Việt Nam là các bộ ngành vừa là quan quản lý hành chính nhà nước đồng thời thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước kéo theo sự phân biệt giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác.
Cụ thể nhà nước quản lý các hoạt động xã hội, kinh tế thông qua các bộ ngành trực tiếp. Ví dụ, Bộ Văn hóa quản lý văn hóa, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính... quản lý kinh tế, tài chính...
Cách quản lý vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp, vừa xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp.
Nếu vậy, để trả lời cho câu hỏi nếu thành lập một Ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có xóa bỏ được cơ chế vừa đá bóng, vừa thổi còi? PGS.TS Lê Cao Đoàn thẳng thắn, đây là câu hỏi không có lời giải. Vì chính người đá bóng vẫn đang là người thổi còi, nhà nước là cơ quan quản lý nhưng lại là nhà kinh doanh. Đây là sự gắn kết giữa quyền lực hành chính với quyền lực kinh tế, làm sao tách ra được.
Thành lập thêm một Ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về bản chất vẫn là một cơ quan chịu sự quản lý trực tiếp của nhà nước. Về bản chất là không có gì thay đổi, nó cũng như các Bộ, ngành hiện nay nhưng tồn tại dưới một danh nghĩa, tên gọi khác là Ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đây chính điểm lúng túng, luẩn quẩn mà không ai có thể chắc chắc rằng câu chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi sẽ không tiếp tục xảy ra.
Bản chất không thay đổi
Vị PGS nhận định, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào một sự thay đổi mới trong tương lai. Có thể, cách thay đổi tên gọi nó sẽ mang lại những đổi thay mới mẻ hơn trong điều hành, quản lý nhưng để giải quyết triệt để vấn đề thì đây không phải là giải pháp căn cơ mà phải dùng tới các định chế thị trường.
"Khi vẫn còn tình trạng tiêu tiền chùa, tiền nhà nước thì còn hiện tượng cha chung không ai khóc. Và những vụ việc xơ sợi Đình Vũ, phân đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, ethanol Phú Thọ, trước đó là Vinashin, Vinalines... cũng vẫn chẳng có ai chịu trách nhiệm, cũng không thể đẩy lùi những sự lãng phí, thất thoát đâu", ông Đoàn phân tích.
Theo vị chuyên gia, muốn quy được trách nhiệm trước hết cần phân định được rõ ràng trách nhiệm, vai trò, vị trí, của chủ thể đích thực sở hữu với chủ thể kinh doanh. Khi chưa làm được điều này nó cũng như câu chuyện "túi trái và túi phải của chiếc áo", mọi thay đổi khác đều không mang lại kết quả.