Mỏ sắt và cán thép Tuyên Quang: Nỗ lực vượt khó, ổn định sản xuất

Từ đầu năm đến nay, Mỏ sắt và cán thép Tuyên Quang (Chi nhánh Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) luôn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là khâu nguyên liệu quặng sắt để đổi phôi thép. Hầu hết các mỏ quặng được cấp cho doanh nghiệp hiện đã khai thác cạn kiệt, đang chờ cấp mỏ mới.

22/10/2012 00:00

Từ đầu năm đến nay, Mỏ sắt và cán thép Tuyên Quang (Chi nhánh Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) luôn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là khâu nguyên liệu quặng sắt để đổi phôi thép. Hầu hết các mỏ quặng được cấp cho doanh nghiệp hiện đã khai thác cạn kiệt, đang chờ cấp mỏ mới.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Mỏ sắt và cán thép Tuyên Quang cho biết, để duy trì sản xuất, doanh nghiệp tổ chức tận thu được 10.500 tấn quặng đưa vào thau rửa để đổi phôi thép. Để có đủ phôi thép phục vụ sản xuất, doanh nghiệp huy động thêm nguồn vốn mua thêm nguyên liệu đảm bảo sản xuất 2 ca. Đến hết tháng 8-2010, mỏ sản xuất được 5.294,5 tấn thép các loại, tăng 133% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, mỗi ngày Mỏ sắt và cán thép Tuyên Quang sản xuất được 80 tấn  thép phục vụ xây dựng cơ bản.

Trên dây chuyền sản xuất thép cán, từ phôi thép qua cắt đoạn, nạp lò, nung, cán thô, cán trung và đến sản phẩm qua 17 công đoạn chỉ có 10 lao động trực tiếp, phôi thép nung đỏ đủ nhiệt đưa vào cán chỉ mất 2,5 phút ra sản phẩm. Để có đội ngũ thợ lành nghề đảm đương công việc phức tạp này, ngoài việc đào tạo, mỏ thường xuyên tập huấn, bổ sung kiến thức nâng cao trình độ cho người lao động. Trong mỗi công đoạn của dây chuyền sản xuất đều có quy trình, thao tác vận hành quá trình sản xuất. Do đặc thù sản xuất liên hoàn, sự phối hợp, thao tác đúng kỹ thuật là điều kiện đảm bảo an toàn lao động và tiết kiện chi phí.

Mục tiêu ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, mỏ tập trung vào 3 việc trọng tâm là đầu tư cải tiến nâng cấp dây chuyền; mở rộng sản xuất và xúc tiến thương mại. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã đầu tư 14 tỷ đồng vào nâng cấp, đổi mới công nghệ. Cùng với đó là tổ chức bố trí lại lao động hợp lý trên dây chuyền sản xuất và khai thác tính năng của công nghệ mới. Từng bước cải tiến hệ thống quản lý chất lượng, nâng cấp từ ISO 9001-2000 lên ISO 9001-2008. Đưa công suất dây chuyền từ 15.000 tấn/năm lên 25.000 tấn/năm. Áp dụng công nghệ mới, đầu tư mở rộng nhà xưởng, không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, mà doanh nghiệp đã tiết kiệm 30% chi phí sản xuất. Đây là cơ sở để hạ giá thành sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong xúc tiến thương mại, doanh nghiệp thực hiện phương châm “bám sát giá cả, thị trường trong nước và thế giới”, trên cơ sở đó hoạch định chính sách bán hàng. Những công trình trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp đảm bảo cung ứng 23 loại sản phẩm sắt xây dựng đến chân công trình.

Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, có chính sách bán hàng hợp lý, doanh nghiệp đã tiêu thụ được 7.189 tấn thép các loại, doanh thu các mặt hàng thực hiện 101 tỷ 107 triệu đồng. Hiện nay, doanh nghiệp có 127 lao động có việc làm ổn định mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Theo baotuyenquang.com.vn