Mơ hồ phế liệu và rác thải

Thống nhất được quan điểm về phế liệu không chỉ tránh được việc nhập khẩu rác, góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp các doanh nghiệp (DN) duy trì nguồn nguyên liệu phát triển sản xuất.

09/06/2014 16:14

Thống nhất được quan điểm về phế liệu không chỉ tránh được việc nhập khẩu rác, góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp các doanh nghiệp (DN) duy trì nguồn nguyên liệu phát triển sản xuất.

Cần phân định rõ thế nào là rác thải, phế thải

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam - cho rằng: Đang có một khoảng cách giữa người biên soạn luật và thực tế sản xuất. Người biên soạn luật đứng trên quan điểm bảo vệ môi trường, bảo vệ cho cuộc sống và cho rằng tất cả những gì gây ô nhiễm đều là tác hại, từ đó dẫn tới việc “không quản được thì cấm”. Nhưng đối với DN ngành thép, những chất thu hồi lại trong cuộc sống, trong sản xuất- kinh doanh là nguyên liệu chứ không phải chất thải. Bởi thế, cần có sự phân biệt để phân loại chính xác từng loại rác thải, phế thải... Ví dụ: Trong thép phế có tới 97% là thép, sắt, khi cho vào lò hồ quang ở nhiệt độ lên tới 4.000 – 5.000OC sẽ đốt hết chất thải nguy hại nên hoàn toàn yên tâm. Điều cần lưu ý khi sử dụng phế thải để tái chế là phải “kiêng” 3 chất gồm phóng xạ, chất nổ và hóa chất độc hại. Còn đối với quặng, chỉ có 50 - 60% là sắt, thép, phần còn lại là nhiều thứ như đất, cát… phải thải đi.

Cần có quy định về bảo vệ môi trường nhằm cấm nhập khẩu phế liệu độc hại

Ông Trần Tất Thắng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam:

Hiện nay các nhà máy sản xuất thép từ phế liệu đang gặp rất nhiều khó khăn so với công nghệ sản xuất thép từ quặng sắt qua lò cao, bởi giá quặng của Trung Quốc giảm mạnh. Mặt khác, công nghệ sản xuất thép từ quặng sắt phải sử dụng than kok, trong khi ở Việt Nam trữ lượng than mỡ rất ít nên phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thực tế trên thế giới, không nước nào thải sắt thép phế ra môi trường mà đều phải nấu lại để sử dụng. Năm 2014, Việt Nam sản xuất 11 triệu tấn thép thì trong đó có tới gần 10 triệu tấn là nấu bằng sắt thép phế. Ông Cường dẫn chứng: Hàng năm, trên thế giới tiêu thụ khoảng 1,3 tỷ tấn thép thì trong đó có khoảng trên 400 triệu tấn được nấu lại từ sắt, thép phế thu hồi từ thiết bị cũ, hết hạn sử dụng…Vì thế, “nếu hai quan điểm này không có sự dung hòa thì sẽ luôn là mâu thuẫn”- ông Cường nói.

Từ những bất cập trên, cần phải phân biệt rõ phế liệu, vì sắt, thép phế đã có tiêu chuẩn quốc tế.

90% lượng phôi thép sản xuất bằng công nghệ lò điện

Ông Nguyễn Văn Sưa- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - cho rằng: Ngành thép Việt Nam có tới 90% lượng phôi thép được sản xuất bằng công nghệ lò điện nên phải sử dụng nguyên liệu đầu vào là thép phế, chủ yếu là nguồn trong nước và nhập khẩu (NK). Tuy nhiên, nguồn thép phế trong nước không nhiều, chỉ vài triệu tấn/năm, nên mỗi năm phải NK thêm trên 3 triệu tấn thép phế mới đủ đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, khi NK cần có quy định về bảo vệ môi trường, nhằm cấm đem chất độc hại về trong nước.

Nếu tính giá trị tuyệt đối thì sử dụng công nghệ lò điện hồ quang và sử dụng thép phế vô cùng thân thiện. Một ví dụ cho thấy, công nghệ sản xuất khai quặng, nếu để sản xuất ra 1 tấn thép phải sử dụng tới 20 GJ/tấn về năng lượng, và thải ra tới 1,8 tấn CO2, đây chính là khí thải gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu hiện nay. Mặt khác, nếu sử dụng thép phế liệu chỉ cần 1,1 tấn và khoảng 5 GJ/tấn về năng lượng, thì môi trường chỉ thải ra khoảng 200 kg khí CO2. Điều đó cho thấy, khí thải CO2 khi sử dụng thép phế nhỏ hơn rất nhiều lần so với sử dụng lò cao dùng từ quặng. Do đó, cần phân biệt và nhận định ưu, nhược điểm của từng loại phế liệu, nếu không sẽ gây khó khăn cho ngành thép Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung.