M&A: Kênh thu hút các nhà đầu tư

M&A đang trở thành một hình thức đầu tư, một kênh tham gia thị trường ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

07/08/2015 09:26

M&A đang trở thành một hình thức đầu tư, một kênh tham gia thị trường ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư trong nước, hoạt động M&A tại Việt Nam đã không ngừng gia tăng. Theo thống kê của nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A (MAF), năm 2014, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam ước đạt khoảng 4,2 tỉ USD. Trong những tháng đầu năm nay hoạt động M&A tiếp tục diễn ra sôi động với nhiều thương vụ lớn. M&A đang trở thành một hình thức đầu tư, một kênh tham gia thị trường ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hoạt động M&A được dự báo sẽ ngày càng sôi động hơn trên nhiều lĩnh vực khi mới đây Quốc hội Việt Nam thông qua nhiều đạo luật quan trọng nhằm đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế, như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi)... Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, trong đó cho phép nới room đối với nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thực thi các đạo luật và chính sách quan trọng nói trên đang tạo ra môi trường pháp lý hoàn thiện hơn cho hoạt động đầu tư kinh doanh nói chung và thị trường M&A nói riêng.

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2015 diễn ra tại TPHCM ngày 6/8, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, một yếu tố khác cũng đang thúc đẩy hoạt động M&A là Chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ.

Theo ông Đông, mặc dù tiến trình Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) còn chậm và chưa đạt được kết quả như mong muốn (mới có 176 doanh nghiệp được CPH), song các cuộc IPO của các doanh nghiệp lớn trong các ngành như giao thông vận tải, viễn thông, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm… đang tạo nguồn hàng mới hấp dẫn đối với thị trường M&A.

Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN theo chủ trương của Chính phủ cũng đang góp phần làm cho thị trường M&A trở nên phong phú và đa dạng hơn.

Một yếu tố thực tế khác đang thúc đẩy thị trường M&A, được các chuyên gia đề cập là xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, trong đó nhiều doanh nghiệp lựa chọn M&A như một chiến lược quan trọng để tái cấu trúc, hướng tới tăng trưởng bền vững.

Theo kết quả khảo sát về đầu tư tư nhân được thực hiện vào quý II/2015 của Grant Thornton dựa trên ý kiến phản hồi từ những người ra quyết định đầu tư trong lĩnh vực đầu tư tư nhân, cư trú ở cả trong và ngoài Việt Nam có tham gia vào lĩnh vực đầu tư tư nhân tại Việt Nam, có sự gia tăng những nhận định lạc quan về nền kinh tế Việt Nam. Khi được hỏi về triển vọng đầu tư ở Việt Nam, có đến 86% số phản hồi dự báo sẽ gia tăng mức độ đầu tư trong vòng 12 tháng tới, cao hơn 14% so với kỳ khảo sát trước.

Thống kê của Viện Sáp nhập, Mua lại và Liên kết (IMAA) cho thấy, từ đầu năm đến nay đã có 219 thương vụ M&A được công bố có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam. Dự báo con số thương vụ trong năm 2015 là 400, trong khi đó năm ngoái, Việt Nam xếp thứ 24 toàn cầu với 339 thương vụ.

Theo các chuyên gia, trong các thương vụ M&A đã và sắp diễn ra trong thời gian tới, các DN lớn đến từ Nhật Bản và Thái Lan vẫn là những nhân tố chính cho các thương vụ mua bán, sáp nhập.

Theo nhận định của ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Công ty tư vấn Recof Corporation (Nhật Bản), trong làn sóng M&A đang diễn ra mạnh mẽ, các lĩnh vực như ăn uống, bán lẻ, tài chính, tiêu dùng nhanh, e-commerce, logistics… sẽ là mục tiêu M&A của các tập đoàn từ Nhật Bản.

Trong khi đó, trong các cuộc xúc tiến thương mại gần đây, các DN Thái Lan đều mong muốn được hợp tác cùng phát triển với các DN Việt Nam, nhất là lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng nhằm đón đầu cơ hội khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, cũng như việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015. Điều này được dự báo sẽ là tiền đề cho những thương vụ M&A giữa DN 2 nước, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng.