Lợi ích đa chiều, giúp ngành thép phát triển ổn định, lâu dài

Giá thép tăng liên tục cùng thời điểm Quyết định số 826/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc “Áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu” khiến dư luận và chính các doanh nghiệp (DN) chuyên cán thép lo ngại. Trao đổi dưới đây của phóng viên Báo Công Thương với ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) mong muốn mang tới một cái nhìn khách quan giúp phân tích, làm sáng tỏ những băn khoăn.

21/03/2016 11:12

Giá thép tăng liên tục cùng thời điểm Quyết định số 826/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc “Áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu” khiến dư luận và chính các doanh nghiệp (DN) chuyên cán thép lo ngại. Trao đổi dưới đây của phóng viên Báo Công Thương với ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) mong muốn mang tới một cái nhìn khách quan giúp phân tích, làm sáng tỏ những băn khoăn.

Vài ngày gần đây giá thép ngoài thị trường liên tục tăng. Có dư luận cho rằng, giá bán thép tăng do tác động của việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời. Theo ông, nguyên nhân nào tác động đến thị trường thép?

Thực tế cho thấy, trong tháng 2/2016 - chưa áp dụng thuế nhập khẩu tạm thời thì tổng sản lượng tiêu thụ thép trong nước đã tăng 74% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng thép xây dựng sản xuất và tiêu thụ đều tăng 100% so với cùng kỳ năm 2015. Có được tín hiệu vui đó nhờ kinh tế đất nước đang phục hồi, thị trường bất động sản tiếp tục bứt phá, kéo theo thị trường thép tiêu thụ tăng do nhu cầu thực tế. Và, đương nhiên sẽ kích tăng giá bán. Việc tăng giá bán phần lớn còn do ảnh hưởng của thị trường thép thế giới, bởi nhu cầu và giá cả đều tăng trở lại và đã tác động trực tiếp đến thị trường thép Việt Nam.

Bên cạnh đó, khi có Quyết định số 826/QĐ-BCT nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, các nhà tiêu thụ trong nước nắm bắt cơ hội giá thép sẽ tăng để tranh thủ đầu cơ, ôm hàng. Điều này cũng kích thích tăng giá đột biến một chút. Tuy nhiên, mức tăng đó so với thời điểm trước đây cũng không cao. Giá phôi thép, theo tính toán, cứ đà này có thể tăng từ 6,5 triệu đồng/tấn lên khoảng 8 triệu đồng/tấn.

Nhằm giúp thị trường thép ổn định, doanh nghiệp sản xuất phát triển bền vững, lâu dài, cạnh tranh sòng phẳng, ông có khuyến nghị gì?

Quyết định số 826/QĐ-BCT ra đời là việc làm đúng đắn, giúp các DN sản xuất phôi, thép dài ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường trong nước. Tiếp theo quyết định đó, ngày 9/3/2016 VSA đã gửi công văn số 11/HHTVN khuyến nghị tới các DN sản xuất phôi, thép dài để có kế hoạch sản xuất hợp lý, đẩy mạnh sản xuất, cung cấp đầy đủ nhu cầu phôi, thép dài ra thị trường với chất lượng và giá cả cạnh tranh; tăng cường hợp tác giữa các DN trong hiệp hội, giữ giá bán hợp lý, ổn định thị phần của mỗi DN, ổn định thị trường nội địa; tiếp tục hợp tác với cơ quan nhà nước và Văn phòng VSA để đáp ứng tốt các yêu cầu cung cấp chứng cứ, tài liệu, số liệu sản xuất- kinh doanh, nhằm đánh giá tổng thể vụ việc để có kết luận cuối cùng của Bộ Công Thương theo đúng quy định của pháp luật.

Tự vệ là biện pháp hữu hiệu, đúng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhằm để ngăn chặn việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thép vào Việt Nam. Ngược lại, đây cũng là cơ hội để từng bước đầu tư, xây dựng và phát triển ngành thép đồng bộ và khép kín, một ngành thép vững mạnh thực thụ chứ không phải ngành thép đi gia công.

Đối với người tiêu dùng hưởng giá rẻ là tốt, nhưng rẻ tới mức nào để cho ngành công nghiệp phát triển được là điều cần nhìn nhận và đánh giá đúng mức. Một ví dụ chứng minh từ thế giới, như, cá Ba sa nhập khẩu vào Mỹ rất rẻ, vậy họ được hưởng lợi nhưng họ vẫn phải chống và đưa ra rất nhiều rào cản để bảo vệ hàng trong nước. Kinh nghiệm cho thấy, việc bảo hộ trong nước để ổn định sản xuất là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh tham gia hội nhập sâu rộng như hiện nay. Nếu không, về lâu dài ngành thép trong nước khó tồn tại bởi hiện nay xuất khẩu tới nước nào cũng đều bị kiện chống bán phá giá. Như năm 2015 Việt Nam phải đối đầu tới 12 vụ kiện.

DN trong nước lâu nay quen với việc nhà nước bảo hộ. Nhưng với việc hội nhập sâu rộng như hiện nay Nhà nước không thể đi bảo hộ mãi được. Hơn thế, phải làm quen với việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Chúng ta còn lúng túng khi áp dụng, trong khi các nước sử dụng công cụ này rất phổ biến.

Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!