Kỳ vọng ĐỔI MỚI II

04/01/2015 15:28

(Chinhphu.vn) – Những chính sách quan trọng trong thời gian qua có những yếu tố tương tự như những chính sách đã tạo ra nền tảng dẫn tới đột phá chiến lược tại Đại hội VI của Đảng năm 1986. Một số chuyển biến lạc quan và dường như đây là những khởi đầu để điểm chuyển chiến lược sẽ xuất hiện trong thời gian tới – phân tích của Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình Thạc sĩ Chính sách công-Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.

Với việc thay đổi thứ tự ưu tiên từ tăng trưởng sang ổn định vĩ mô ngay sau Đại hội XI và một số chuyển biến lạc quan gần đây cho thấy năm 2015-2016 có thể là thời khắc của những điều kỳ diệu cho sự phát triển của Việt Nam.

Ba mươi năm trước

Sau khi thống nhất đất nước, những kỳ vọng về một tương lai tươi sáng của Dân tộc là rất lớn. Tập trung xây dựng nền sản xuất lớn XHCN dựa trên kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể thông qua kế hoạch hóa tập trung là mô hình được chọn trong bối cảnh của sự phân cực trên thế giới rất sâu sắc và phức tạp.

Những bước ngoặt quan trọng của thời kỳ này định rõ đường hướng trong một thập kỷ của Việt Nam là Đại hội IV năm 1976, Cải tạo công thương nghiệp năm 1977 và ký kết hiệp định hợp tác toàn diện với Liên Xô vào năm 1978.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã không như kỳ vọng. Khi Việt Nam được xem là một thành viên “đầy đủ” và quan trọng của khối XHCN thì những trục trặc của khối này đã bộc lộ và bắt đầu rơi vào thời kỳ khủng hoảng.

Mô hình tăng trưởng đã không còn phù hợp, sản xuất bắt đầu đình đốn và trục trặc nảy sinh ở rất nhiều nơi. Trong bối cảnh như vậy, những thay đổi quan trọng đã được đưa ra.

Hội nghị Trung ương VI năm 1979 đã đưa ra quyết định thay vì chỉ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải tạo công thương nghiệp nhằm xây dựng nền sản xuất lớn XHCN thì việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất được nêu ra và tìm hướng giải quyết.

Chỉ thị số 100 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư (khoán 100) và Quyết định số 25-CP ngày 21/1/1981 của Hội đồng Chính phủ về một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh (kế hoạch ba phần) đã ra đời.

Những chính sách cấp thời như vậy đã tạo ra những chuyển biến tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống. Điều quan trọng hơn cả là những chính sách này đã tạo nền tảng để cho đột phá chiến lược ở Đại hội VI năm 1986.

Cơ chế sản xuất dựa vào thị trường đã được đưa ra để dần thay thế mô hình kinh tế kế hoạch. Sau ba thập kỷ, những điều kỳ diệu đã xảy ra để Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình.

Có một điều cần lưu ý là quan điểm muốn làm những cái mới và quan điểm muốn duy trì cái hiện tại luôn song hành. Mục tiêu của Hiến pháp năm 1980 là để tạo ra những nền tảng của mô hình kinh tế kế hoạch, nhưng những chính sách đột phá nêu trên vẫn xuất hiện là ví dụ điển hình.

Sau ba mươi năm

Đã có những kỳ vọng rất lớn khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007. Tuy nhiên, điều không may là ngay sau đó, kinh tế thế giới lại rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1930.

Những trục trặc trong việc lựa chọn mô hình tăng trưởng với ưu tiên hàng đầu là tốc độ tăng trưởng dựa vào mở rộng đầu tư kết hợp với những tác động từ bên ngoài đã làm cho kinh tế vĩ mô của Việt Nam bất ổn với lạm phát và thâm hụt ngân sách cao, trong khi tăng trưởng giảm và dự trữ ngoại hối cạn kiệt.

Những điều chỉnh quan trọng và mang tính chiến lược đã được đưa ra với điển hình là Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/03/2011 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011.

Ổn định kinh tế vĩ mô đã trở thành ưu tiên hàng đầu thay vì tăng trưởng cao. Nhờ quyết định chiến lược này, những chuyển biến tích cực đã xuất hiện mà nó thể hiện rõ nhất qua việc kiềm chế lạm phát và cắt giảm đầu tư.

Lần đầu tiên kể từ năm 2003, lạm phát được kéo xuống dưới 5% (chính xác là 4,09%) và đầu tư đã được kéo từ mức gần 40% xuống còn trên dưới 30%. Nguy cơ về những trục trặc nghiêm trọng của hệ thống tài chính ngân hàng không còn nghiêm trọng như những năm trước.

Thêm vào đó, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/03/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một đột phá quan trọng về cải cách thể chế, tạo áp lực cho bộ máy hành chính phải cải cách, phải làm tốt.

Nhìn chung, những chính sách quan trọng trong thời gian qua có những yếu tố tương tự như Nghị quyết Trung ương VI, Khoán 100 hay Kế hoạch ba phần. Một số chuyển biến lạc quan đã được tạo ra và dường như đây là những khởi đầu để điểm chuyển chiến lược sẽ xuất hiện trong thời gian tới như điều đã xảy ra trong Đại hội VI.

Tóm lại, mở cửa và hội nhập là xu hướng không thể đảo ngược. Năm 2015-2016 có thể là thời khắc rất quan trọng với Việt Nam vì Đại hội XII sẽ diễn ra và khả năng TPP sẽ được ký kết. Hy vọng những điều kỳ diệu như ĐỔI MỚI I sẽ xảy ra đưa Việt Nam tiến tới sự thịnh vượng./.