Kinh tế Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Trong năm 2015 và một số năm tiếp theo, kinh tế nước ta đan xen cơ hội và triển vọng tích cực với khó khăn, thách thức - phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

13/01/2015 09:05

Trong năm 2015 và một số năm tiếp theo, kinh tế nước ta đan xen cơ hội và triển vọng tích cực với khó khăn, thách thức - phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

Cơ hội và triển vọng

Về tổng thể, năm 2015 và trong trung hạn, Việt Nam sẽ giữ được ổn định vĩ mô khá tích cực với mức tăng trưởng GDP và cả lạm phát đều trên dưới 6-6,5%. Theo một số ước tính, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm ít nhất 10% khi các FTA được ký và triển khai từ năm 2015-2025. Môi trường kinh doanh sẽ có nhiều cải thiện nhờ những nỗ lực trong nước cũng như từ triển khai theo cam kết trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia; hạn chế được các tranh chấp thương mại quốc tế nhờ những kinh nghiệm và năng lực thích ứng mới.

Nền kinh tế sẽ có độ mở, tính chất tự do hóa và quốc tế hóa cao hơn. Áp lực và sự cạnh tranh bình đẳng và hợp tác kinh tế đều tăng lên. Các dòng đầu tư ngoại vào Việt Nam và dòng vốn Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng sẽ gia tăng nhanh hơn về quy mô, đa dạng về cơ cấu và lĩnh vực, cũng như các chủ đầu tư. Kiều hối sẽ đa dạng hơn.

Cơ cấu kinh tế sẽ có sự chuyển dịch sâu sắc hơn theo hướng phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, trước hết với các nước thành viên tham gia FTA với Việt Nam. Các ngành du lịch, nông nghiệp, thủy, hải sản sẽ tiếp tục tăng trưởng thuận lợi. Các nhóm hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sẽ đa dạng hơn, nhóm ngành dệt may, giày dép và gạo có khả năng cạnh tranh nhờ giảm hàng rào thuế quan và mua được nguyên liệu giá rẻ, giúp giảm chi phí sản xuất. Các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội tham gia đấu thầu mua sắm công. Quá trình tái cơ cấu DNNN và ngân hàng thương mại sẽ đẩy mạnh hơn. Các hoạt động mua bán/sáp nhập (M&A) cũng được thúc đẩy cả bề rộng và bề sâu, nhất là trong lĩnh vực bất động sản; sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng; ngân hàng, dệt may, chế tạo cơ khí…

Thị trường tài chính sẽ tiếp tục gia tăng các dòng vốn ngoại và sự phát triển các quỹ mở. Thị trường vàng ổn định. Tăng trưởng tín dụng sẽ nhanh hơn do cơ hội đầu tư và cả điều kiện tín dụng sẽ mở hơn, tạo thêm lực đẩy hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu được kiểm soát và từng bước xử lý linh hoạt, trong mục tiêu bảo đảm ổn định hệ thống và từng bước tiếp cận các chuẩn mực chung thế giới.

Thị trường hàng tiêu dùng sẽ có cải thiện với cơ cấu hàng hóa phong phú hơn, giá rẻ hơn và chất lượng từng bước được cải thiện. Hàng công nghệ thông tin tiếp tục đa dạng hóa và giảm giá nhanh do cạnh tranh và sự phát triển khoa học công nghệ.

Thị trường xuất khẩu lao động sẽ tiếp tục tăng mạnh và là một trọng tâm cải thiện việc làm và an sinh xã hội cho các vùng, đối tượng liên quan.

Thị trường bất động sản từng bước hình thành một chu kỳ tăng trưởng mới về quy mô, tốc độ, cân bằng và hiệu quả hơn, với tiêu điểm là phân khúc nhà ở xã hội và các căn hộ chung cư, mặt bằng kinh doanh giá hợp lý, ở vị trí thuận lợi, đủ cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội, được tiêu thụ theo phương thức cho thuê, “thuê-mua” và “mua-cho thuê” và được quản lý bởi các công ty ủy thác, khai thác chuyên nghiệp có trách nhiệm cao.

Thách thức

Các doanh nghiệp sẽ đối diện với sự gia tăng áp lực cạnh tranh và mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính cùng với những rủi ro và chi phí cao hơn về các hàng rào kỹ thuật và yêu cầu cao hơn về năng lực tài chính, cơ chế quản trị nội bộ. Nợ xấu và hàng tồn kho những sản phẩm kém cạnh tranh hoặc thiếu đổi mới công nghệ, thiếu thân thiện với môi trường và với con người… sẽ còn là gánh nặng với doanh nghiệp kém năng động.

Quy tắc xuất xứ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp đang phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài, đồng thời, khiến gia tăng các chi phí, giảm cơ hội cải thiện thu nhập và khả năng cải thiện quy trình sản xuất vốn lạc hậu của nhiều ngành sản xuất trong nước. Các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường và lao động sẽ tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.

Những ngành còn khó khăn liên quan nhiều đến kinh doanh bất động sản cao cấp; cơ khí chế tạo, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ cấu sản phẩm và trình độ công nghệ lạc hậu; các DNNN chậm đổi mới mô hình tổ chức và trang thiết bị, công nghệ, năng lực quản trị.

Ngành chăn nuôi (nhất là lợn, gà, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng) trong nước sẽ tiếp tục đối diện với áp lực cạnh tranh giảm giá từ sản phẩm ngoại nhập và sự gia tăng các chi phí đầu vào cũng như các hàng rào kỹ thuật nếu không đổi mới về công nghệ và mô hình chăn nuôi mới, hiện đại…

Các dự án FDI, nhất là dệt may, có thể thu hẹp lợi ích mà doanh nghiệp trong nước có được từ các FTA; vì vậy, cần quan tâm thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, có năng lực tài chính và giải pháp bảo vệ môi trường, quy mô lớn, có tác dụng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành; tăng cường “hậu kiểm” và quản lý các dự án đã được cấp phép.

Ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ phải có sự điều chỉnh rất lớn; co hẹp về những phân khúc không phải cạnh tranh trực tiếp với ô tô nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản (những nước có ngành công nghiệp ô tô tiên tiến và hiệu quả).

Hệ thống ngân hàng vẫn đối diện với áp lực giảm nợ xấu và sở hữu chéo cũng như nâng cao năng lực quản trị và chuẩn hóa các chỉ tiêu hoạt động theo chuẩn chung quốc tế và cam kết hội nhập.