Kim ngạch nhập khẩu sắt thép cả nước trong 2 tháng đầu năm 2008
22/10/2012 00:00
Năm 2008, nhu cầu về thép của Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2007 do đầu tư nước ngoài tăng mạnh và nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước như Thuỷ điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các công trình giao thông, hạ tầng sử dụng vốn ODA... cần một khối lượng thép lớn.
Thép có thể không thiếu, nhưng nhu cầu tăng cùng với giá đầu vào tăng là những nguyên nhân khiến cho thị trường thép năm 2008 sẽ có những diễn biến khó lường.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng thép nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 2/2008 đã đạt 1,5 triệu tấn, kim ngạch 810,5 triệu USD, tăng 6,28% về lượng và tăng 5,66% về trị giá so với tháng 1/2008, còn so với cùng kỳ năm 2007 lại tăng 187,15% về lượng và 217% về trị giá. Tính chung 2 tháng đầu năm 2008, cả nước đã nhập khẩu gần 3 triệu tấn thép các loại với kim ngạch xấp xỉ 1,6 tỉ USD, tăng 15,34% về lượng và tăng 184,44% về trị giá so với 2 tháng đầu năm 2007.
Bên cạnh đó, giá thép trong nước cũng có xu hướng tăng. Trong tháng, do chịu tác động của giá nguyên liệu trên thị trường thế giới không ngừng tăng cao nên giá bán thép xây dựng trong nước được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng liên tục. Giá bán tại nhà máy (chưa trừ chiế khấu, chưa có VAT) của các đơn vị sản xuất và liên doanh với Tổng công ty thép tăng khoảng 500-700 đ/kg tuỳ loại so với tháng 1/2008. Cụ thể, tại miền Bắc giá thép cuộn phi 6 của GTTN là 13.910 đ/kg và VPS là 14.100 đ/kg, tại miền Nam giá thép cuộn phi 6 của Vinakyoei là 13.560 đ/kg. Giá bán lẻ thép xây dựng trên thị trường tiếp tục tăng, nhưng với nhịp độ chậm hơn, dao động trong khoảng 15.000-17.000 đ/kg. Giá bán thép phi 6, phi 8 tại một số địa phương dao động từ 15.000-17.000 đ/kg.
Từ đầu năm 2008, để xiết chặt xuất khẩu, phía Trung Quốc đã nâng thuế xuất khẩu mặt hàng này từ 15% lên 25%. Tính đến thời điểm này, giá chào phôi thép Q235 của Trung Quốc đứng ở mức 750-760 USD/T, tăng 10-25 USD/T so với tháng 2/2008. Đồng thời giá thép phế - nguyên liệu chính để sản xuất phôi cũng có sự tăng mạnh. Giá thép phế chào bán về đến Việt Nam khoảng 490-500 USD/T (CFR), tăng khoảng 20 USD so với tháng trước và tăng gần 100 USD/T so với cuối năm 2007. Trong khi đó, Việt Nam phải nhập tới 50% nhu cầu phôi thép, chủ yếu từ Trung Quốc. Chính vì thế, giá thép xây dựng trong nước phụ thuộc chủ yếu vào những diễn biến của thị trường này. Bên cạnh đó, từ ngày 25/2, do giá dầu mazut tăng từ 8.500 đ/kg lên 9.500 đ/kg, trong khi để sản xuất mỗi tấn thép phải tiêu tốn hết 40 kg dầu mazut. Đó là những nguyên nhân chính khiến giá thép xây dựng tăng lên. Theo thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam, sau khi đàm phán với các nhà cung cấp quặng sắt, từ ngày ¼, giá quặng sắt sẽ tăng thêm 65% sov ới giá của năm 2007. Như vậy, có khả năng giá quặng sắt sẽ tăng lên 70 USD/T, cùng với giá cước vận tải tăng khoảng 40 USD/T, giá than mỡ dự báo cũng sẽ tăng trong thời gian tới, đieuè này sẽ tác động mạnh tới giá phôi thép và xu hướng tăng giá thép là khó tránh khỏi. Với mức tăng của quặng sắt, dự tính giá phôi thép có thể tăng trên 800 USD/T. Năm 2008, tổng nhu cầu phôi cho sản xuất thép trong nước ước tính cần khoảng 4,6 triệu tấn. Tuy nhiên, nguồn phôi trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% (2 triệu tấn phôi), còn lại trên 2 triệu tấn các doanh nghiệp vẫn phải tìm nguồn nhập khẩu khác. Hiện nay, việc mua phôi thép từ Trung Quốc đang bắt đầu gặp khó khăn, các doanh nghiệp phải tìm mua phôi từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan và các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ucraina và thậm chí từ Nam Phi hay Brazil. Tuy nhiên, việc mua phôi từ các nước này cũng không dễ dàng. Cuối năm 2007, các doanh nghiệp thép đã nhập khẩu một lượng phôi dự trữ, số phôi này chỉ đủ cho sản xuất đến hết quý I/2008. Sau khi có tin giá quặng sắt tăng từ ngày ¼, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh nhập khẩu phôi, tuy nhiên do nhu cầu về phôi tăng cao nên dự báo giá nhập khẩu cũng liên tục có sự thay đổi, gây áp lực cho giá bán trong nước thời gian tới.
(Vinanet)