Kiểm tra nhập phôi thép hợp kim Trung Quốc lách thuế
19/11/2015 20:29
Hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép Trung Quốc khai chứa hợp kim để được hưởng thuế 0% thay vì 9% với phôi bình thường sẽ bị kiểm tra.
Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép Trung Quốc khai chứa hợp kim của một loạt doanh nghiệp nhập khẩu nhiều loại phôi thép này về để kiếm lời.
Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, họ đang gặp khó khăn lớn vì loại thép nhập khẩu từ Trung Quốc kể trên. Nếu không chỉ ra được đây là hành vi “cõng rắn cắn gà nhà” và gian lận thuế. Một lãnh đạo doanh nghiệp thép cho biết nhiều doanh nghiệp thép có thể sẽ phải giảm sản lượng, ảnh hưởng đến việc làm công nhân, thậm chí phá sản…
Theo quyết định của Bộ Công thương, đoàn kiểm tra sẽ gồm đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ và Hiệp hội thép Việt Nam, kiểm tra 5 công ty nhập khẩu phôi kê khai phôi thép hợp kim là: Công ty TNHH IPC (Hải Phòng), Công ty TNHH Thương mại Dương Tiến (Bắc Giang), Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Long (Hà Nội), Công ty Sản xuất thép Úc SSE (Hải Phòng), Công ty TNHH thép Vinakyoei (Bà Rịa Vũng Tàu).
Trước đó, như thông tin đã phản ánh, theo số liệu của Tổng cục Hải quan được Hiệp hội Thép Việt Nam trích dẫn, nếu như trong tháng 8-2015, lượng phôi thép khai chứa hợp kim nhập về VN ở mức trên 3.000 tấn (giá trị gần 1 triệu USD). Chỉ tính riêng tháng 9-2015, khối lượng tăng vọt, lên tới trên 62.000 tấn (trị giá hơn 20 triệu USD).
Nếu tình hình không được quan tâm giải quyết, dự báo, phôi thép Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh trong các tháng cuối năm.
Theo Hiệp hội Thép, chỉ tính riêng lượng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 8 và 9-2015, sau khi “đội lốt” thành công là thép hợp kim, nhà nước đã thất thu trên 1,89 triệu USD.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Thép VN, quyết định trên của Bộ Công thương là kịp thời và tới đây cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, các cơ quan chức năng cần kiểm tra rà soát các đơn vị nhập khẩu phôi thép hợp kim và xử lý mạnh hơn các trường hợp lợi dụng lỗ hổng chính sách và các cam kết quốc tế để gian lận thương mại, gây mất bình đẳng trong kinh doanh, làm thất thu Ngân sách Nhà nước…