Không thúc đẩy R&D, doanh nghiệp mãi chỉ là “nhà gia công”

18/03/2015 12:40

(Chinhphu.vn)- Việc DN lâu nay chỉ trông chờ vào đầu tư của Chính phủ trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đã tạo nên tâm lý ỷ lại. Vì vậy, về lâu dài, DN cần thay đổi cách nhìn về vai trò của hoạt động này nếu không muốn chỉ là “nhà gia công” của thế giới.

Theo Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ KH&CN) Phạm Ngọc Minh, ở các nước phát triển, các tập đoàn tư nhân đầu tư cho R&D còn lớn hơn đầu tư của nhà nước. Bình quân tỷ lệ đầu tư cho R&D từ ngân sách nhà nước so với khu vực ngoài nhà nước thường là 1/5.

Trong khi đó, ở nước ta với hơn 700 đơn vị R&D cấp Trung ương (thuộc các Bộ) và hơn 1.000 đơn vị R&D cấp địa phương và DN (trong đó, con số các DN đã và đang đầu tư và có hoạt động R&D còn khá khiêm tốn) chỉ có hơn 300 sáng chế trong năm 2014 nhưng chủ yếu sử dụng nội bộ và chưa xuất khẩu được những sáng chế ra nước ngoài.

Do vậy, muốn đa dạng hoá các sản phẩm và đặc biệt là việc tăng giá trị các mặt hàng xuất khẩu thì vai trò của hoạt động R&D phải được các DN chú trọng, đầu tư đúng mức, trong đó, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ cũng như sự đầu tư thích đáng cho hoạt động này.

Ông Phạm Ngọc Minh cho biết khoảng 10 năm trở lại đây, các DN Việt Nam đã bắt đầu ý thức việc đầu tư cho hoạt động R&D sẽ giúp cho DN làm chủ công nghệ nhập khẩu cũng như bắt tay vào việc nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ mới.

Nhiều DN đã thành lập các bộ phận R&D như Viện Nghiên cứu Dầu khí (thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam), Viện Nghiên cứu cao su (thuộc Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam), Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel (thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội), Viện Nghiên cứu công nghệ FPT (thuộc Tập đoàn FPT), các Trung tâm R&D, Phòng R&D của Công ty Vinamilk, Công ty Bút bi Thiên Long,…

Nhờ hoạt động R&D, từ chỗ chỉ cung cấp các thiết bị viễn thông và các sản phẩm công nghệ thông tin đến nay, Viettel đã tạo ra danh mục sản phẩm “Made by Viettel” cho phép gần bao phủ hầu hết lĩnh vực điều hành, sản xuất của Tập đoàn.

Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard, đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) đã nghiên cứu và chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên “Made in Vietnam”. Công ty CP Thiên Long mỗi năm đưa ra thị trường hàng chục sản phẩm mới. Đặc biệt, nhờ quá trình đầu tư nghiêm túc cho hoạt động đổi mới sáng tạo nên đến nay, các sản phẩm Thiên Long đã có thể thay thế sản phẩm của Thái Lan, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Minh lưu ý để hoạt động R&D đem lại hiệu quả cao, bên cạnh sự chủ động của các DN thì cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các DN với các trung tâm nghiên cứu quốc gia, các viện nghiên cứu thuộc các trường đại học để có sự hỗ trợ, tương tác về khoa học, từ đó sẽ có được phát minh, sáng chế vừa phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế của đất nước, vừa đảm bảo hiệu quả hơn cho hoạt động R&D của DN.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, để đạt được mục tiêu CNH-HĐH vào năm 2020, đã đến lúc chúng ta phải đổi mới toàn diện công nghệ của các DN và để thực hiện điều này cần đẩy mạnh hoạt động R&D từ cấp quốc gia đến từng DN.

Vì vậy, các DN phải tự nhận thức được chỉ có hoạt động R&D mới tạo tiền đề, cơ sở cho việc nâng cao năng suất lao động, giá trị sản phẩm, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh./.