Khó áp thuế tự vệ đối với tôn mạ màu

Đã 5 tháng từ khi Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn mạ màu nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước, vùng lãnh thổ khác nhau. Mặc dù quyết định này được coi là một biện pháp hữu hiệu để có thể bảo hộ ngành sản xuất trong nước, song đây có thể sẽ là gánh nặng cho DN nhỏ trong nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

27/12/2016 09:15

Đã 5 tháng từ khi Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn mạ màu nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước, vùng lãnh thổ khác nhau. Mặc dù quyết định này được coi là một biện pháp hữu hiệu để có thể bảo hộ ngành sản xuất trong nước, song đây có thể sẽ là gánh nặng cho DN nhỏ trong nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của các nguyên đơn, có thể thấy bên nguyên đơn chiếm 26% tổng sản lượng tôn màu của Việt Nam. Các nguyên đơn trích dẫn số liệu lợi nhuận của mình để phân tích về tổn thất nghiêm trọng của ngành công nghiệp trong nước.

Cần những phân tích độc lập

Để áp dụng tự vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu, cần đáp ứng đủ 3 điều kiện: Có sự gia tăng “đột biến” và “không lường trước được” của hàng nhập khẩu; Có thiệt hại “nghiêm trọng” hoặc đe doạ gây thiệt hại “nghiêm trọng” cho ngành sản xuất trong nước; Và mối quan hệ nhân quả rõ ràng và trực tiếp giữa việc gia tăng hàng nhập khẩu và thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.

Trong khi 2 điều kiện đầu hiện nay vẫn chưa thực sự rõ ràng và thuyết phục, cơ quan chức năng cần tiếp tục phân tích liệu việc gia tăng hàng nhập khẩu trong thời gian vừa qua có phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu và rõ ràng dẫn đến tình trạng thua lỗ của một số DN sản xuất trong nước?

Trong quá trình xem xét điều kiện thứ 3, chúng ta cũng cần khách quan nhìn lại những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, những yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng thua lỗ của một số DN sản xuất tôn màu trong nước. Cụ thể là những nguyên nhân gây ra bởi chính ngành công nghiệp sản xuất trong nước hay từ nội bộ ngành.

Trước hết, sự sụt giảm mạnh của giá nguyên liệu bao gồm thép cuộn cán nóng, cuộn cán nguội và thép mạ kẽm cũnglà một yếu tố ảnh hưởng đến sự giảm giá sản phẩm tôn màu. Ngoài ra, xu hướng giảm giá của các sản phẩm tôn mạ màu tại Việt Nam là phù hợp với xu hướng giảm giá tương tự của giá nguyên vật liệu. Trong bối cảnh như vậy, cần đánh giá một cách nghiêm túc tất cả các nguyên nhân gây ra tình trạng thua lỗ của một vài nhà sản xuất trong nước. Cũng có ý kiến nghi ngờ rằng các nhà sản xuất trong nước đang cố gắng tận dụng lợi thế của hệ thống phòng vệ thương mại ở Việt Nam để thu hồi cho mất mát của mình tại các thị trường xuất khẩu được gây ra bởi những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của riêng mình.

Áp lực cạnh tranh của các DN nhỏ

Nhìn một các tổng thể toàn ngành công nghiệp sản xuất tôn màu, các DN nhỏ cũng phải đối mặt với áp lực canh tranh “không hề nhỏ” với chính những DN lớn trong nước. Các báo cáo tài chính của các “ông lớn” trong ngành đã cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đầy khả quan, vẫn liên tục tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận của các công ty này trong giai đoạn 2013 đến nay. Điển hình là các Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Cty Cổ phần Tôn Đông Á, Tôn Phương Nam, Thép Nam Kim…

Trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV ngày 15/11/2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã công nhận rằng, các DN sản xuất tôn thép ở Việt Nam hiện nay còn chưa đa dạng về sản xuất, sản phẩm sản xuất chỉ mới có thể đáp ứng được tôn thép dùng cho mục đích xây dựng. Chính vì tôn thép dùng cho các mục đích chuyên ngành nâng cao khác trong nước không sản xuất được, các DN phân phối bắt buộc phải nhập khẩu thay thế trong lĩnh vực đó từ nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm chất lượng cao của Hàn Quốc và Trung Quốc.