Hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng là trách nhiệm của cả nước
22/10/2012 00:00
(Website Chính phủ) – Bài viết “Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực, rộng rãi, củng cố lòng tin cho nhân dân. | |||||
GS.TS.Nguyễn Lân Dũng, ĐBQH, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam: Hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng là trách nhiệm của cả nước Trước tình hình lạm phát gia tăng, giá cả leo thang mỗi người dân chúng ta không ai không thật sự lo lắng. Chính vì vậy khi đọc được thông điệp của Thủ tướng qua bài báo Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cảm thấy Chính phủ đã thấy hết các khó khăn và có quyết tâm rất cao để sớm phục hồi tình trạng ổn định trong việc thưc hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Rõ ràng bối cảnh kinh tế quốc tế đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của mọi quốc gia chứ không riêng gì nước ta. Càng khó khăn nhân dân ta càng tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, mặt khác với tinh thần xây dựng nếu có sáng kiến gì hay thì thẳng thắn đóng góp với Đảng, với Chính phủ. Tránh tình trạng hoang mang và làm lây lan sự hoang mang của mình sang người khác. Chính phủ dự kiến đề nghị Quốc hội trong kỳ họp vào đầu tháng 5 tới sẽ điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng và chỉ tiêu lạm phát cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên cần làm sao để sự điều chỉnh này không ảnh hưởng đến các mục tiêu ưu tiên hàng đầu và vẫn đảm bảo cho sự tăng trưởng cao và bền vững trong các năm tiếp theo. Muốn được như vậy không thể chỉ có quyết tâm của Chính phủ mà phải có quyết tâm của cả bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương, của cả hệ thống chính trị, xã hội mà trước hết là của gần 3 triệu đảng viên cộng sản. Hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng phải bằng các biện pháp quyết liệt, khẩn trương và đem lại hiệu quả cụ thể. Chúng ta đang chịu sự tác động của 4 loại lạm phát khác nhau: một là, lạm phát liên quan đến tiền tệ (tăng tổng cung khối lượng thanh toán do tăng tín dụng, tăng đầu tư nước ngoài, tăng các nguồn thu ngân sách lớn, bội chi ngân sách lớn); hai là, lạm phát ngoại nhập do lạm phát trên thế giới khiến giá nguyên liệu cho hàng gia công xuất khẩu tăng cao đi kèm với các yếu kém trong việc điều hành chính sách tiền tệ; ba là, lạm phát chi phí đẩy, liên quan đến việc giảm kiểm soát hành chính các mặt hàng quan trọng như xăng dầu, điện, than, thép , do giảm kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng dẫn đến tăng giá quá nhanh; bốn là, lạm phát cầu-kéo, liên quan đến tăng nhanh đầu tư, do mất mùa vì bão lụt, sâu bệnh dẫn đến chênh lệch cung cầu mà không được nhập khẩu bổ sung. Thủ tướng đã đề ra bảy nhóm giải pháp liên quan đến hoạt động của toàn xã hội. Một là, yêu cầu Ngân hàng nhà nước kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng nhưng không làm ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu. Hai là, cắt giảm đầu tư công và chi phí thường xuyên dùng tiền ngân sách. Hãy bớt đi các cuộc họp không cần thiết, bãi bỏ chế độ phong bì tràn lan, loại bỏ các dự án treo, các dự án kém hiệu quả để tập trung cho việc hoàn thành sớm các dự án sớm đưa vào hoạt động. Việc này liên quan đến chính quyền các cấp và sự tự giác hưởng ứng của mọi đơn vị sản xuất, kinh doanh. Ba là, tận dụng lợi thế là thành viên WTO và sự tăng đầu tư nước ngoài để đẩy nhanh sản xuất, nhất là sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Từng người phụ trách phải tự rà soát lại những trách nhiệm liên quan đến đơn vị mình và các nhà khoa học phải vào cuộc để đưa nhanh tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất và chế biến các sản phẩm có giá trị xuất khẩu. Bốn là, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống, kiên quyết chống đầu cơ trục lợi, không tăng giá nhiều mặt hàng quan trọng từ nay đến hết tháng 6. Chúng ta còn có nhiều khả năng chế biến nông sản phẩm xuất khẩu và không có lý do gì chỉ có 2 công ty tư nhân đang giúp nông dân chế biến mít và gấc xuất khẩu (!). Cần tính xem trên 1 ha đất nông nghiệp trồng cây gì, nuôi con gì để xuất khẩu có hiệu quả cao nhất. Cần biến nông sản phẩm thành nguyên liệu của những sản phẩm hoàn toàn mới có giá trị cao của Công nghệ sinh học. Theo tôi còn cần kiên quyết không được đụng chạm đến đất có cấu tượng mà nhân dân thường gọi là bờ xôi, ruộng mật. Xin báo cáo với Thủ tướng là ở Trung Quốc muốn sử dụng khác mục đích 5 mẫu Trung Quốc (1/3ha) đất nông nghiệp thì phải có quyết định của Quốc vụ viện (Chính phủ). Bao giờ nước ta học tập kinh nghiệm quan trọng này của bạn? Người ta đã phạt đồi, phạt núi và làm đường để hướng dẫn các nhà đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, chứ đâu có để các nhà đầu tư tự chọn đất đai mầu mỡ ven các quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ như ở nước ta (!). Năm là, triệt để tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng. Hãy tự giác bớt sử dụng xe công, bớt sử dụng điện, nước, bớt nhậu nhẹt, bớt các cuộc lễ lạt tốn kém và ít hiệu quả... Mỗi người, mỗi đơn vị tiết kiệm một ít thì cả nước sẽ có sự dôi ra rất lớn về tài chính. Ngay các nước giàu mà người ta còn quyết định 1 giờ tắt điện toàn quốc để giảm tiêu hao năng lượng và giảm khí nhà kính thì sao ta không làm được? Sáu là, kiểm soát chặt chẽ thị trường, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu và nghiêm chỉnh thực thi pháp luật, chống đầu cơ và buôn lậu. Không có lý do gì để việc tha hóa cán bộ trở nên tràn lan đến mức xin bất cứ công việc gì cũng phải phong bì, phong bao, cần tuyên chiến quyết liệt với tệ nạn mua quan, bán chức, nạn hối lộ, mãi lộ còn rất phổ biến. Bảy là, càng khó khăn càng quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội hướng vào nông dân, ngư dân và các tầng lớp nghèo khổ trong xã hội, hỗ trợ cho ngành giáo dục tiếp tục đào tạo nhân tài, nhất là nhân tài có trình độ cao. Đề nghị Cổng thông tin điện tử của Chính phủ mở Diễn đàn kêu gọi hiến kế cho Chính phủ bằng thái độ dân chủ, bình đẳng trong thảo luận, nhằm cụ thể hóa hơn nữa đối với bảy nhóm giải pháp mà Thủ tướng đã đưa ra trước công luận. Đất nước gặp khó khăn thì tầng lớp sĩ phu phải hữu trách như lời dạy của người xưa. Xin chờ đợi những sáng kiến hay của mọi tầng lớp nhân dân, kể cả những thảo luận mang tính phản biện một cách có trách nhiệm về bảy nhóm giải pháp mà Thủ tướng đã đề xuất. GS. TS. Nguyễn Thành Độ, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Cái đích cuối cùng phải là phát triển bền vững Dưới góc độ của một người nghiên cứu khoa học kinh tế, tôi bày tỏ sự ủng hộ, đồng thuận cao với những ý kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong bài viết đăng trên Website Chính phủ. Thủ tướng đã đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu trong tình hình hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó ưu tiên số một là kiềm chế lạm phát là hoàn toàn chính xác. Thật vậy, giải quyết tốt 3 nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội thì mới có phát triển bền vững. Cái đích cuối cùng phải là phát triển bền vững. Và ngược lại, có phát triển bền vững mới làm tốt được 3 nhiệm vụ trên. Từ bài học kinh nghiệm lạm phát của nước ta những năm 1987, 1988, cho thấy lạm phát phần lớn bắt nguồn từ chính sách tài chính, tiền tệ. Theo đó, giải pháp đầu tiên để kiềm chế lạm phát hiện nay phải là thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Chỉ có thắt chặt tiền tệ, kiểm soát hoạt động ngân hàng, kiểm soát hoạt động đầu tư xã hội mới giải được bài toán lạm phát. Gốc của nền kinh tế chính là tập trung phát triển sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay, ta càng phải tập trung sức cho việc này; phải khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tăng cường xuất khẩu. Các mối quan hệ kinh tế vĩ mô cũng sẽ được giải quyết căn bản nếu ta phát triển được sản xuất, tăng khối lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm chất lượng cao, lập lại cán cân xuất nhập khẩu theo hướng tích cực. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã triển khai nhiều và rất thiết thực chính sách an sinh xã hội, đã có hàng loạt các biện pháp, hành động quyết liệt như không tăng giá với một số vật tư, không tăng học phí, viện phí. Nhờ đó, góp phần tích cực vào việc ổn định đời sống nhân dân, đời sống cán bộ công nhân viên. Đây là giải pháp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Thời gian qua, đồng lòng cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã thực hiện nhiều biện pháp như tăng cường giáo dục cán bộ, đảng viên, giảng viên nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong tình hình hiện nay, lồng ghép trong giảng dạy về những chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng về kiềm chế lạm phát; cắt giảm chi tiêu, thực hành tiết kiệm nhất là điện năng, hạn chế hội họp, hội thảo, giảm tối đa chi phí hành chính có thể được. Giới doanh nghiệp: Sẽ thực hiện bằng được chỉ đạo của Thủ tướng Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV): Chúng tôi đồng tình với 8 nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra, đặc biệt là giải pháp thứ 8, trong lúc này các doanh nghiệp cần đoàn kết cùng nhau chống lạm phát. Chúng tôi đã chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chưa tăng giá than đối với các hộ sản xuất xi măng, phân bón, giấy theo chỉ đạo của Thủ tướng ngày 27/3. Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát chi phí, tôi cho rằng kiểm soát chi phí luôn luôn cần với doanh nghiệp, đặc biệt lúc này càng cần hơn, TKV đã có các biện pháp chủ động, kiểm soát giá cả, đầu tư mạnh vào đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, cắt giảm chi phí. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng với việc chấp hành tốt các giải pháp chỉ đạo của Thủ tướng, năm nay chúng tôi sẽ vẫn đạt mức tăng trưởng sản xuất cao hơn so với năm 2007. Ông Đinh La Thăng, Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Nhiệm vụ chống lạm phát của Tập đoàn trong thời gian trước mắt là tập trung vào hai vấn đề chính: Đảm bảo khai thác sản lượng dầu thô và đẩy mạnh các dự án trọng điểm đạt đúng tiến độ. Hội đồng quản trị Tập đoàn cùng Ban giám đốc đã họp triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí và chống lạm phát. Chúng tôi sẽ thành lập hai đoàn đi kiểm tra tất cả các dự án đã đầu tư từ năm 2006 để tính toán hiệu quả và cơ cấu lại vốn. Tập đoàn cũng chỉ đạo các công ty con trước mắt tạm dừng việc xây dựng, mua bán các trụ sở mới, các cuộc hội nghị khai trương, khánh thành tiết kiệm bằng cách không tổ chức ăn uống, không phong bì. Năm 2007, Tập đoàn tiết kiệm chi phí được khoảng 550 tỷ đồng. Năm nay, sẽ đặt con số cao hơn năm 2007. Quan điểm của Tập đoàn trước mắt vẫn tập trung vào ngành nghề chính là đảm bảo sản lượng khai thác dầu thô, phấn đấu đẩy nhanh sớm đưa các dự án đang được triển khai vào hoạt động như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án điện Nhơn Trạch, hoạt động sớm ngày nào đất nước lợi ngày đó. Đối với các dự án ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, quan điểm chúng tôi chỉ triển khai khi thấy các dự án có hiệu quả. Hiện các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn bao gồm tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng mới chiếm 7% tổng vốn đầu tư của tập đoàn, qua đợt IPO năm 2007, số tiền thu về đã vượt rất nhiều so với số tiền Tập đoàn đã bỏ ra. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Các doanh nghiệp sản xuất thép trong Hiệp hội Thép Việt Nam hoàn toàn nhận thức được những khó khăn trước cơn bão giá. Hội nghị giữa Thủ tướng với các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, tôi cho rằng kịp thời, và đây cũng là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống “giặc“ lạm phát. Các doanh nghiệp thép cũng đã thống nhất: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy luyện phôi để năm 2008 tự túc trên 50% phôi, năm 2009 sẽ tự túc 60-70% phôi. Đối với khâu bán hàng, mở rộng hệ thống lưu thông đưa thép tới công trình, bớt khâu trung gian, chống đầu cơ tích trữ, niêm yết giá công khai minh bạch. Các doanh nghiệp cam kết không bán hàng tập trung cho một số đại lý nhằm hạn chế việc đầu cơ, tích trữ, khuyến khích ưu tiên cung cấp sản phẩm thép trực tiếp cho các công trình xây dựng và hộ tiêu dùng cuối cùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất để cung cấp đủ thép xây dựng ra thị trường, giảm chi phí sản xuất, đa dạng hoá nguồn cung cấp phôi để tránh bị ép giá. Website Chính phủ |