Hướng dẫn chế độ kế toán DN: Những thách thức với DN
02/06/2015 10:54
Theo lãnh đạo Vụ Chế độ Kế toán - Kiểm toán, Bộ Tài chính, từ năm 2015, việc áp dụng Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán DN của Bộ Tài chính sẽ giúp phản ánh sức khỏe tài chính của các DN niêm yết rõ nét hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc áp dụng TT200 đang là thách thức với DN.
Kỳ vọng của cơ quan quản lý
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Thông tư 200/2014/TT-BTC(TT200) ra đời nhằm giúp các DN thuộc mọi lĩnh vực, điều chỉnh việc ghi nhận kinh tế trong lĩnh vực Kế toán lên một tầm cao mới, từng bước tiệm cận các chuẩn mực kế toán quốc tế và những thông lệ thế giới, nhằm đảm bảo doanh nghiệp phải minh bạch về tài chính hơn nữa và quản trị rủi ro tài chính tốt hơn.
Theo quy định tại TT200, việc trích lập dự phòng sẽ hợp lý hơn, DN phải ghi nhận doanh thu thận trọng hơn... Kỳ lập báo cáo niên độ sẽ gồm BCTC quý (cả quý IV) và bán niên. Nổi bật hơn cả là có thêm các quy định mới về xây dựng nguyên tắc kế toán và BCTC khi DN không đáp ứng giả định hoạt động liên tục. Phần thuyết minh BCTC cũng có nhiều sự thay đổi: đối với chứng từ kế toán, DN được chủ động xây dựng, thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán nhưng phải đáp ứng được các yêu cầu của Luật Kế toán và đảm bảo rõ ràng, minh bạch. Về sổ sách kế toán, DN được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho riêng mình, nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh bạch và đầy đủ.
Tại hội thảo “Hướng dẫn Chế độ Kế toán DN theo Thông tư 200/2014/TT-BTC” do Câu lạc bộ “Cộng đồng 1C” tổ chức, TS. Hà Thị Ngọc Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán - Kiểm toán khẳng định: TT200 có 5 điểm thay đổi nổi bật về: đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán, tài khoản kế toán, báo cáo tài chính (BCTC), chứng từ kế toán và sổ kế toán.
Tuy nhiên, với những thay đổi mang tính bước ngoặt về tư duy và phương pháp tiếp cận, TT200 đã tạo ra thách thức không nhỏ cho người làm kế toán trong việc quản trị DN nói chung và hệ thống kế toán nói riêng.
Băn khoăn của DN
Theo ông Đỗ Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Hãng Kiểm toán AASC, hiện còn rất nhiều điểm khác biệt giữa chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) và chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) như: giá trị hợp lý, công cụ tài chính, suy giảm giá trị tài sản... Việc áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ được thực hiện trong thời gian tới, nên cần sự quyết tâm và tổ chức thực hiện của lãnh đạo DN, bởi IFRS ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của DN.
Hơn nữa, theo nhiều DN, vì có nhiều điểm thay đổi như vậy, cộng với thời gian chuẩn bị quá gấp, do TT200 được ban hành ngày 22/12/2014, nhưng áp dụng ngay với kỳ lập BCTC quý I/2015, nên DN gặp nhiều khó khăn trong tuân thủ chế độ kế toán mới.
Nhiều DN mong muốn vẫn có thể vẫn áp dụng các quy định tại Quyết định 15/2006 (văn bản mà TT200 thay thế) để lập các BCTC quý, bán niên trong năm nay để có thời gian chuẩn bị về hệ thống phần mềm, đào tạo nhân sự… trước khi lập BCTC năm 2015 theo quy định tại TT200.
Trước những kiến nghị của DN, bà Hà khẳng định cơ quan quản lý chia sẻ với khó khăn của các DN, vì đúng là thời gian áp dụng TT200 hơi gấp, trong khi những điểm mới tại văn bản này khá nhiều nên DN gặp khó khăn trong áp dụng. Do đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để có thể từng bước áp dụng các quy định tại TT200 đối với BCTC năm 2015.
Cũng theo bà Hà, TT200 không chỉ giải quyết những tồn tại bộc lộ trong 10 năm qua, mà còn phù hợp với thực tiễn, khả thi, tôn trọng bản chất hơn hình thức. Các quy định tại Thông tư cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, tách biệt kỹ thuật kế toán trên tài khoản và BCTC, đặc biệt đề cao trách nhiệm của người hành nghề.
Với những thay đổi như trên, TT200 được đánh giá là có thể sẽ tác động lớn tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm, rất có thể có ảnh hưởng tiêu cực nhưng sẽ không quá lớn và sẽ có sự phân hóa giữa các DN.