Hợp tác Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á-Âu: Doanh nghiệp cần lưu ý gì ?
05/06/2015 16:09
Các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu thật kĩ lưỡng về thị trường các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) nếu muốn đầu tư, khai thác thương mại song phương với thị trường này; Đây là lời khuyên của bà Phùng Thị Lan Phương – Trưởng nhóm FTA, Trung tâm WTO, Ban Pháp chế VCCI.
Ngày 29/5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan tham dự Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước thành viên EEU |
EEU đã dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến. Cụ thể, sau khi hiệp định này có hiệu lực, về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương. EEU sẽ dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan đặc biệt. Trong đó, nông sản, thủy sản sẽ là các sản phẩm được hưởng lợi nhiều nhất với mức thuế suất 0%. Ngoài ra, thuế với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh khác như dệt may, da giày và đồ gỗ sẽ được giảm tới 80% và theo lộ trình cũng sẽ được miễn hoàn toàn trong thời gian tới. Đây có thể nói là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại, nhiều hàng nông sản của Việt Nam được các nước trong EEU và khu vực Đông Âu ưa chuộng nhưng chưa xuất khẩu trực tiếp sang được (ngoại trừ Nga) vì công nghệ bảo quản còn hạn chế, chính vì vậy các doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn này.
Đáng lưu ý nhất là ngành thép, bởi đây là ngành sẽ phải chịu thách thức lớn do sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp ở những cường quốc thép nhất nhì thế giới, điển hình là Nga. Trong đàm phán, Bộ Công Thương đã cố gắng hạn chế tối đa khó khăn và có những biện pháp bảo hộ về hàng rào thuế quan trọng. Tuy nhiên, về lâu dài, tự bản thân các doanh nghiệp thép phải tăng năng lực sản xuất, chất lượng để có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.
Bà Phùng Thị Lan Phương – Trưởng nhóm FTA, Trung tâm WTO, Ban Pháp chế VCCI cho rằng, Việt Nam là đối tác đầu tiên của Liên minh kinh tế này nên chúng ta sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các nước khác chưa có FTA. Đây là một thị trường rất lớn với nhiều tiềm năng. Ngoài ra, cộng đồng người Việt ở khu vực này cũng rất nhiều nên việc tìm hiểu thị trường cũng dễ dàng. Tuy nhiên,“các doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt với một số rào cản như thị trường này làm việc không nhanh gọn như những khu vực khác, hệ thống thanh toán phức tạp, ngôn ngữ không phổ biến, ít website tiếng anh…” – Bà Phương nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi tìm kiếm cơ hội hợp tác ở các thị trường này, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu thật kỹ các điều khoản của hiệp định như thuế xuất quy định, yêu cầu về đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin hàng hóaquy tắc xuất sứ, tìm hiểu thị trường xem đối tác cần gì, chất lượng sản phẩm ra sao…Theo bà Phương, trong khi các doanh nghiệp ngoại đang chạy đua với thời gian để đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư thì người ta ít thấy những động thái tương tự từ các doanh nghiệp trong nước. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam mơ hồ, thiếu hiểu biết về các hiệp định thương mại, thậm chí có hiểu những cũng chỉ đại khái. Nguyên nhân là do doanh nghiệp thiếu tính chủ động, không chịu tìm hiểu kĩ, nắm sâu thông tin mà chỉ lướt qua.
Để tìm hiểu cụ thể thông tin các hiệp định thương mại. Doanh nghiệp có thể truy cập vào địa chỉ: www.trungtamwto.vn hoặc liên hệ tới số điện thoại: 04.35771428.