Hoa Kỳ rà soát hành chính ống thép dẫn dầu nhập khẩu từ Việt Nam
24/11/2016 12:24
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa khởi xướng rà soát hành chính biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng ống thép dẫn dầu nhập khẩu từ Việt Nam cho giai đoạn từ ngày 1/9/2015 đến ngày 31/08/2016.
Trong thông báo này, DOC cho biết nếu một trong số các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu được nêu tên trong thông báo này không bán hoặc xuất khẩu trong giai đoạn rà soát nói trên phải gửi thông báo tới DOC trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng Công báo Liên bang.
Theo công báo liên bang, ngày 9 tháng 11 năm 2016, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo khởi xướng rà soát hành chính biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng ống thép dẫn dầu - OCTG (gồm các mã HS: 730429, 730629, 730520, 730439, 730459) từ Việt Nam cho giai đoạn từ ngày 1/9/2015 đến ngày 31/08/2016.
Trong trường hợp DOC hạn chế số lượng doanh nghiệp để điều tra riêng biệt thì DOC sẽ lựa chọn bị đơn dựa trên số liệu nhập khẩu của Cơ quan Biên phòng và Hải quan Hoa Kỳ (CBP) trong giai đoạn rà soát. DOC dự kiến sẽ đưa ra quyết định lựa chọn bị đơn trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng Công báo Liên bang.
Dự kiến, DOC sẽ ra Quyết định cuối cùng của đợt rà soát này không muộn hơn ngày 30 tháng 9 năm 2017.
Hơn 1 tháng trước, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng ống thép dẫn dầu - OCTG từ Việt Nam cho giai đoạn từ ngày 25/02/2014 đến ngày 31/08/2015.
Kết luận sơ bộ của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng ống thép dẫn dầu gồm các mã HS: 730429, 730629, 730520, 730439, 730459)
Theo quyết định trên, DOC xác định mức thuế tạm thời đối với 01 bị đơn bắt buộc là 0.00% và mức thuế suất toàn quốc vẫn giữ nguyên là 111.47%.
So với mức thuế cuối cùng của vụ việc điều tra ban đầu được DOC công bố vào ngày 11 tháng 7 năm 2014 thì việc DOC xác định sơ bộ công ty tham gia hợp tác trong quá trình điều tra không bán phá giá trong giai đoạn rà soát là một thành công lớn của doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2014, ống thép dẫn dầu của Việt Nam từng bị Cơ quan biên mậu Canada (CBSA) khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp và áp thuế với biên độ phá giá lên tới 28,6%.