Hàng thừa cứ thừa, nhập cứ nhập
02/04/2014 09:45
Để có thể giải bài toán thừa vẫn nhập hiện nay thì Nhà nước phải là cơ quan đứng ra liên kết, quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng. Loại bỏ những vùng sản xuất kém chất lượng, năng suất thấp...
Lách để nhập
Hàng loạt các mặt hàng trong nước có sức sản xuất cao, có khả năng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước như muối, đường, trứng, thép, xi măng… song các mặt hàng này vẫn được nhập khẩu khá lớn. Việc nhập khẩu các mặt hàng này vô hình trung tạo sức ép đáng kể đối với các nhà sản xuất trong nước và tạo thêm sức ép nhập siêu cho cả nền kinh tế.
Đơn cử như mặt hàng thép. Trong khi lượng thép sản xuất trong nước còn đang tồn kho lên tới hơn 300 nghìn tấn, thì nhiều doanh nghiệp vẫn ồ ạt nhập khẩu thép. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến hết 15/3/2014 đã có 1.770.244 tấn thép được nhập khẩu. Nếu như nhập các loại thép mà trong nước chưa sản xuất được thì chẳng có gì đáng nói.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu các loại thép trong nước đang dư thừa, đặc biệt là thép giá rẻ gây nhiều tác động đến sản xuất thép trong nước. Nếu nhìn trên bảng tỷ trọng thép dây sẽ thấy mặt hàng này (trong nước sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu) có sự sụt giảm đáng kể từ 25%/tổng sản lượng thép sản xuất trong nước trước kia thì nay chỉ còn chiếm dưới 20%.
Việc sụt giảm tỷ trọng thép này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng sản xuất, vừa gây lãng phí do dây chuyền thiết bị không hoạt động đúng công suất, vừa ảnh hưởng đến công ăn việc làm và thu nhập của hàng vạn lao động ngành thép.
Theo các chuyên gia ngành thép thì sở dĩ thép trong nước phải “nhường sân” cho thép nhập là bởi hiện thép Trung Quốc nhập vào rẻ hơn do chính sách hỗ trợ xuất khẩu của quốc gia này. Người bán hàng không nói đây là hàng Trung Quốc trong khi đó người dân thấy rẻ thì mua, rất khó kiểm soát.
Đây là vấn đề rất khó vì họ né từ thép xây dựng sang hợp kim, thực chất là trốn thuế từ 5% xuống 0%. Việc né này là do quy định nguyên tố Bo từ 8 phần nghìn là thép hợp kim, nếu thay đổi phải thay cả quy định này. Và đây là việc rất khó để thay đổi ngay trong một thời gian, vì còn liên quan đến quy chuẩn thế giới.
Thép sản xuất trong nước còn đang tồn kho nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nhập khẩu
Nhập theo cam kết
Bên cạnh câu chuyện các doanh nghiệp, sản phẩm lách luật để nhập, thì việc Việt Nam gia nhập WTO với các cam kết thương mại tự do cũng khiến chúng ta phải nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản khác như đường, trứng, muối… vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Và các doanh nghiệp được cấp hạn mức thì… cứ nhập mà không cần biết đến những khó khăn của người nông dân, nhà sản xuất trong nước khi phải cạnh tranh với các nông sản cùng loại trên thị trường.
Câu chuyện về đường và hàng ngàn ha mía đường phải phá bỏ hay câu chuyện về người nông dân khóc trên những cánh đồng muối trắng sẽ vẫn còn tiếp diễn nếu không sớm có sự can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền.
Còn ở phía các doanh nghiệp nhập khẩu họ vẫn chỉ có một điệp khúc “cũ rích” để lý giải cho việc nhập khẩu những sản phẩm này là: Các sản phẩm trong nước làm ra phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn để có thể sản xuất công nghiệp. Giá các sản phẩm trong nước cao hơn và không ổn định bằng các sản phẩm nhập khẩu, trong khi đó các nhà sản xuất trong nước cần có giá đầu vào ổn định trong khoảng thời gian dài để sản xuất…
Theo các chuyên gia, để có thể giải bài toán thừa vẫn nhập hiện nay thì Nhà nước phải là cơ quan đứng ra liên kết, quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng. Loại bỏ những vùng sản xuất kém chất lượng, năng suất thấp. Tiên phong trong việc nghiên cứu đưa các loại giống mới, các công nghệ sản xuất liên tiếp vào thực tiễn sản xuất.
Tăng hơn nữa hàm lượng khoa học vào sản xuất, nuôi trồng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng là đầu mối để có những hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp nghiên cứu nâng cao chất lượng các sản phẩm có thể đáp ứng được các nhu cầu sản xuất trong nước.
Song song với đó, những sản phẩm nào trong nước sản xuất được, đảm bảo chất lượng thì kiên quyết không nhập hoặc cho nhập nhưng áp dụng hàng rào bảo hộ sản xuất trong nước.
Thực tế cho thấy, chỉ khi nào có những giải pháp toàn diện, đồng bộ mới có thể giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất trên những cánh đồng của họ. Và chỉ khi gắn liền được lợi ích của người dân, doanh nghiệp với nhau thì câu chuyện thừa vẫn cứ nhập mới có thể có hồi kết.