GS Đặng Đình Đào:Biệt đãi ngành thép làm giàu cho DN FDI!

Ngành thép kêu lỗ là điều hơi lạ? Phải chăng ngành thép đang cố bảo vệ "lợi ích nhóm" hay theo con đường của nhiều doanh nghiệp FDI...?

09/09/2014 13:46

Ngành thép kêu lỗ là điều hơi lạ? Phải chăng ngành thép đang cố bảo vệ "lợi ích nhóm" hay theo con đường của nhiều doanh nghiệp FDI...?

GS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội

Phát triển ngành thép: Không thể cứ mãi gia công

PV:- Trong khi Canada đang xem xét kiện thép Việt Nam bán phá giá thì chúng ta lại đang xúc tiến Hiệp định thương mại tự do với liên minh 3 nước gồm Nga, Belarus, Kazakhstan với ưu đãi thuế suất nhập khẩu 0%. Ông có nhận xét gì về chính sách phát triển ngành thép của VN?

GS Đặng Đình Đào: - Cùng với xăng dầu, xi măng, điện, thiết bị…, sắt thép là vật tư chiến lược quan trọng trong các cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân và luôn được nhà nước ta dành nhiều chính sách ưu đãi, bảo hộ để phát triển trong suốt nhiều năm qua.

Trong quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015 có tính đến năm 2025 cũng đã xác định quan điểm "Phát triển ngành thép phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và ngành công nghiệp cả nước, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và lộ trình hội nhập của Việt Nam".

Mục tiêu phát triển tổng thể ngành thép Việt Nam cũng được xác định rõ là "đáp ứng tối đa nhu cầu về các sản phẩm thép của nền kinh tế quốc dân, tăng cường xuất khẩu".

Nhưng thực tế phát triển ngành thép ở Việt Nam thời gian qua, nhất là thời kỳ "bong bóng nhà đất" quá nóng, quá ồ ạt, thiếu gắn kết với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, kết quả là hàng trăm cơ sở sản xuất thép đã ra đời cùng với các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó công nghệ sản xuất của đa số các doanh nghiệp lại lạc hậu và ở mức trung bình, số doanh nghiệp liên doanh có công nghệ tiên tiến cũng rất khiêm tốn, chỉ chiếm 1/3 số cơ sở sản xuất, chủ yếu vẫn là gia công, chủng loại sản phẩm đơn điệu, không đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu.

Nên có thể nói, sản phẩm thép của Việt Nam chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp, khả năng thâm nhập thị trường khu vực và quốc tế là rất hạn chế, ngành thép thực tế chưa tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường của các nước trong khu vực để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thép.

Hậu quả hiện nay là cung đã vượt cầu tiêu dùng nội địa cùng với đó là thép giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam làm cho lượng thép vốn đã bị khê đọng lại càng khê đọng thêm, gây áp lực lên các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam. Rõ ràng, hóa giải bài toán này là thuộc về trách nhiệm của các nhà sản xuất thép Việt Nam.

Bài toán được đặt ra hiện nay là phải đẩy mạnh xuất khẩu thép, ngành thép phải cân đối lại cung - cầu theo hướng tích cực hơn có tính đến nhu cầu xuất khẩu để tái cơ cấu lại sản xuất trong bối cảnh Việt Nam đã gần 9 năm gia nhập WTO và trong năm 2015 hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN thì ngành thép không thể chỉ tính cầu tiêu dùng nội địa mà phải tận dụng cơ hội từ mở cửa thị trường của các nước để tăng cường xuất khẩu thép.

Tránh làm ăn theo kiểu "chụp giựt" là lấy thép nhập khẩu giá rẻ vào Việt Nam sau đó "đội lốt" nhãn hiệu thép Việt Nam để xuất đi các nước, kèm theo đó là kiểu làm ăn như hiện nay của nhiều cơ sở sản xuất thép thì nguy cơ các nước xem xét kiện thép Việt Nam bán phá giá là hiện hữu.

Việc chúng ta xúc tiến Hiệp định thương mại tự do với Liên minh 3 nước Nga, Belarus và Kazakstan với ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, tôi cho là rất cần thiết và là cơ hội tốt hiện nay để thị trường Việt Nam có nhiều chủng loại sản phẩm thép của Nga chất lượng cao hơn hẳn thép ở Việt Nam, rất quen thuộc và có uy tín ở thị trường nước ta từ lâu.

Ngành thép Việt Nam đã đến lúc phải chấp nhận cạnh tranh thực sự trên thị trường và mặt hàng sắt thép nằm ngoài danh mục hàng hóa được bảo hộ ở Việt Nam là hợp lý.

Có lẽ gần 30 năm đổi mới, do sự bảo hộ của nhà nước đối với mặt hàng sắt thép đã dẫn đến kết cục không mấy sáng sủa và đang theo chân của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam!

Chỉ có cạnh tranh mới làm cho giá sắt thép giảm xuống hơn nữa và trật tự thị trường thép mới được thiết lập lại và sẽ không có chỗ đứng cho những doanh nghiệp sản xuất gia công thép chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu và ô nhiễm môi trường. Còn các doanh nghiệp liên doanh cũng phải thay đổi cách làm ăn và đầu tư hiện nay, không thể cứ tiếp tục gia công sắt thép mãi.

PV:- Thực tế ngành thép Việt Nam chủ yếu là sản xuất thép xây dựng, nhưng 70-80% nguyên vật liệu phải nhập từ nước ngoài về để gia công (khoảng 45% phôi và 80% thép phế liệu). Nói chính xác thì Việt Nam chỉ gia công thép xây dựng và do các chủ đầu tư nước ngoài nắm giữ. Trong khi đó Hiệp hội thép Việt Nam lên tiếng than “công nghiệp thép sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản nếu các mặt hàng sắt thép của Nga được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% hàng loạt”. Ông bình luận gì về tiếng kêu than lỗ của ngành thép Việt Nam, thực chất của vấn đề này là gì, thưa ông?

GS Đặng Đình Đào: - Như trên tôi đã trao đổi về ngành sản xuất thép và chính sách phát triển ngành thép của Việt Nam trong thời gian qua, cho thấy ngành này đã được nhà nước ưu đãi với nhiều chính sách như đối với ngành sản xuất ô tô, xăng dầu, điện … Chính sự bảo hộ quá lâu cho những mặt hàng này đã làm cho sự phát triển của các ngành trên tụt hậu so với các nước trong khu vực, nhất là khi Việt Nam mở cửa thị trường theo lộ trình cam kết trong WTO và ASEAN.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI khi quy mô sản xuất tăng liên tục, mở rộng đầu tư kinh doanh nhưng với nhiều chiêu chuyển giá nên thường xuyên kêu khó khăn, kêu lỗ để chây ì nộp thuế và các nghĩa vụ khác với nhà nước. Hình như các doanh nghiệp liên doanh sản xuất thép ở Việt Nam cũng có tình trạng tương tự!. Hiện ngành thép lại kêu lỗ, doanh nghiệp đứng trước "nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản".

Câu chuyện này cách đây không lâu ở Tập đoàn khai thác vàng Besra tỉnh Quảng Nam cũng đã và đang làm tương tự. Cho nên khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã và đang được xúc tiến thực hiện, sức ép cạnh tranh ngày một gay gắt trên thị trường, trong đó có thị trường thép Việt Nam vốn lâu nay được nhà nước bảo hộ và rồi Hiệp hội ngành thép Việt Nam kêu than lỗ của ngành thép cũng là dễ hiểu!

Nhưng đáng ra để các doanh nghiệp sản xuất thép tự kêu than thì có lẽ còn có lý hơn nhiều! Hội nhập và mở cửa thị trường theo lộ trình cam kết là không thể đảo ngược. .Việc xin "đưa mặt hàng sắt thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ… " là đi ngược lại quá trình hội nhập, là trái với các nguyên tắc của WTO. Hơn nữa, mặt hàng sắt thép thực tế đã được bảo hộ quá lâu rồi, đã đến lúc phải tự mình vươn lên trong cạnh tranh và để người tiêu dùng được quyền lựa chọn các sản phẩm thép tốt hơn, chất lượng hơn và giá cả rẻ hơn.

Ngành thép kêu khó cho ai?

PV:- Thép Việt chủ yếu do dòng vốn FDI tạo nên và họ đã hưởng đủ các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư ngoại, việc giảm thuế XNK 0%, ngành thép sẽ được nhập nguyên vật liệu giá rẻ, lại bán giá cạnh tranh. Các chuyên gia đã nói nhiều, ngành thép trong nước thực chất là đi gia công. Nhưng các nhà máy liên doanh khiến cho việt nam thậm chí còn ko nhận được hoàn toàn cái việc gia công đó (hợp tác với Ấn, Mỹ, Tiệp...). Nghĩa là chỉ có nhận rác thải của quá trình này một cách trọn vẹn. Như vậy ngành thép đang hưởng lợi, nhà nước và người tiêu dùng mới bị thiệt. Vậy ngành thép kêu khó, kêu lỗ liên tục đang phản ánh điều gì, thưa ông?

GS Đặng Đình Đào: - Tôi đồng tình với các nhận định và đánh giá trên đối với ngành thép Việt Nam, cụ thể hơn là đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép.

Là mặt hàng được bảo hộ cao từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép được hưởng nhiều chính sách ưu đãi và do đó được hưởng lợi nhiều từ những chính sách này mà có lẽ nhiều mặt hàng khác không thể có được sự bảo hộ như vậy.

Thời gian qua, tuy nền kinh tế có nhiều khó khăn nhưng sản xuất của ngành thép vẫn duy trì ở mức tăng trưởng khá từ 6-7%, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế của cả nước, khâu tiêu thụ thép tăng … tính chung 7 tháng đầu năm 2014 tăng gần 8,24% so với 7 tháng đầu năm 2013 và cả năm 2013 sản xuất được 9,3 triệu tấn; năm 2014 KH là 9,55 triệu tấn.

Mặc dù thị trường thép chịu nhiều yếu tố tác động nhưng lượng tiêu thụ thép không giảm cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thép là khả quan, vẫn giữ được sự ổn định cả về sản lượng và giá bán. Ấy thế mà ngành thép vẫn kêu lỗ liên tục là điều hơi lạ? Phải chăng ngành thép đang cố bảo vệ "lợi ích ngành", "lợi ích nhóm" hay theo con đường của nhiều doanh nghiệp FDI lâu nay là khi quy mô sản xuất kinh doanh ngày càng mở rộng, đầu tư tăng, doanh thu tăng nhưng lúc nào cũng kêu khó, kêu lỗ, xin được nhà nước hoãn hoặc miễn giảm nợ đọng thuế…

Ngay cả hệ thống siêu thị Metro 12 năm liên tục không đóng thuế nhưng vẫn luôn nhận được ưu đãi từ phía nhà nước? Rõ ràng, cuối cùng người hưởng lợi ở đây chính là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có vốn FDI, thua thiệt, thất thu chính là nhà nước và người tiêu dùng Việt Nam.

Hình như ngành thép Việt Nam đang muốn quay lại thời kỳ đầu của hội nhập kinh tế quốc tế, muốn xin nhà nước đưa mặt hàng sắt thép tiếp tục vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ? Nếu như vậy có khác gì đòi đóng cửa thị trường vật tư - kỹ thuật Việt Nam với thế giới bên ngoài?

PV:- Tháng 9 tới đây, Việt Nam bước vào bàn đàm phán Hiệp định TTP và các điều khoản của WTO về dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng sắp phải thực hiện, một sân chơi công bằng minh bạch không chỉ cho ngành thép, dù muốn hay không cũng sẽ xuất hiện. Theo ông, ngành thép Việt Nam phải làm gì để có thể tồn được tại trong sân chơi mới này?

GS Đặng Đình Đào: - Đúng vậy, Hiệp định TTP với 12 nước tham gia có GDP lên tới 27.477,93 tỷ USD, chiếm 38,55% GDP thế giới và có mức tăng trưởng 3,3%, kim ngạch thương mại hàng hóa chiếm tới 30% tổng trao đổi thương mại toàn cầu đang bước vào giai đoạn cuối của đàm phán cũng như cam kết của Việt Nam trong WTO về dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng sắp phải thực hiện.

Đây là một sân chơi công bằng và minh bạch cho các ngành và các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho cả ngành thép Việt Nam. Với một ngành mà trong năm 2014 theo kế hoạch của Nhà nước đặt ra cho sản xuất là 9,55 triệu tấn thép các loại, trong khi lại phải nhập khẩu tới 9,5 triệu tấn với kim ngạch gần 7 tỷ USD thì rõ ràng có rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới, nhất là trong sân chơi mới.

Có lẽ việc cần làm đầu tiên là phải sớm cơ cấu lại hệ thống các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép nhằm đảm bảo cho sản xuất sản phẩm thép có chất lượng cao, đa dạng hóa chủng loại với giá cạnh tranh và đảm bảo được lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp, của người tiêu dùng; cần phải chấp nhận quy luật cạnh tranh để thị trường tự cân đối lại cung cầu và đào thải những doanh nghiệp làm ăn không có hiệu quả như hiện nay; ngành thép phải tận dụng cơ hội mở cửa thị trường của các nước để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thép của Việt Nam vào các thị trường có tiềm năng lớn.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải giải cho được bài toán về chất lượng sản phẩm, chủng loại mặt hàng thép, đổi mới công nghệ, không thể tiếp tục sản xuất gia công như hiện nay; Không thể lại cứ tiếp tục bảo hộ mặt hàng thép như lâu nay mà để họ tự vươn lên trong môi trường cạnh tranh thực sự, đồng thời cần tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường thép, nhất là hệ thống sản xuất và kinh doanh thép hiện nay cũng là giải pháp rất quan trọng cần được tính đến.

PV:- Cảm ơn Giáo sư đã trả lời phỏng vấn!