Giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp: Chấp nhận hụt thu ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
01/10/2020 10:06
Vừa qua, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Nghị định này hiện thực hóa chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DN nhỏ và vừa để vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nghị định quy định giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 cho các DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 của DN bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà DN được hưởng theo quy định của Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nếu DN mới thành lập, DN chuyển đổi loại hình DN, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 hoạt động không đủ 12 tháng thì tổng doanh thu năm 2020 được xác định bằng tổng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 chia cho số tháng DN thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 nhân với 12 tháng.
Trường hợp DN dự kiến tổng doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 không quá 200 tỷ đồng thì DN xác định tạm nộp hằng quý bằng 70% số thuế TNDN phải nộp của quý. Kết thúc kỳ tính thuế TNDN năm 2020, trường hợp tổng doanh thu năm 2020 của DN không quá 200 tỷ đồng thì DN thực hiện kê khai giảm thuế TNDN của năm 2020 khi quyết toán thuế TNDN theo quy định.
DN sẽ phải tự xác định số thuế TNDN được giảm khi tạm nộp hàng quý và kê khai thuế TNDN phải nộp trong kỳ tình thuế TNDN năm 2020. Qua thanh tra, kiểm tra, nếu cơ quan có thẩm quyền phát hiện DN không thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định của Nghị định này hoặc số thuế phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 lớn hơn số thuế đã nộp theo quy định thì DN phải nộp số tiền thuế thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
Việc giảm này sẽ có hiệu lực thi hành ngay lập tức và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2020.
Thực tế, theo thống kê, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số DN tại Việt Nam và các DN này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Việc giảm 30% thuế TNDN cho DN nhỏ và siêu nhỏ nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải; đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng cần hỗ trợ, phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và thực tế áp dụng chính sách hỗ trợ đối với nhóm DN quy mô nhỏ thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Theo Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật Inteco (Đoàn Luật sư Hà Nội), nền kinh tế càng khó khăn thì Chính phủ càng phải tăng cường các giải pháp điều tiết vĩ mô, trong đó tăng đầu tư công. Nhưng tăng đầu tư công thì phải tính đến khả năng đáp ứng của NSNN. Nhìn nhận điều đó để thấy rằng, việc chấp nhận cắt giảm thuế sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nguồn thu để bổ sung vào NSNN. Giải quyết bài toán mâu thuẫn đó không phải là chuyện dễ dàng nên Bộ Tài chính sẽ phải rất nỗ lực để có thể đảm bảo cân đối được ngân sách cho cả hai mục tiêu lớn như vậy.
Luật sư Hà Huy Phong cũng cho rằng, đa phần các DN có doanh thu dưới 200 tỷ đồng là DN vừa và nhỏ, sức đề kháng yếu nên khá mẫn cảm với những thay đổi tiêu cực của nền kinh tế. Nỗ lực của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính trong việc giảm 30% thuế TNDN của năm 2020 nhằm làm giảm nhẹ các gánh nặng tài chính phát sinh từ dịch bệnh Covid-19 chắc chắn sẽ giúp ích cho DN rất nhiều, bởi dự báo là dịch bệnh vẫn còn tiếp tục sang năm 2021 và có thể là trong những năm tới. “Năm tài chính 2020 chưa kết thúc nên với chính sách kịp thời như vậy, DN có thể chủ động hơn cho công tác tài chính trong năm 2021” – ông Phong nói.
Tăng cường quản lý thu để bù đắp
Đánh giá tác động của Nghị định này, Bộ Tài chính cho biết, khi trình Quốc hội Nghị quyết về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, đề xuất giải pháp giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng dự kiến sẽ làm giảm thu NSNN của năm 2020 khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đề xuất này sẽ góp phần hỗ trợ các DN nêu trên vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các DN tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN là tiền đề giúp các DN phát triển, chuyển đổi thành DN có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho NSNN trong thời gian tiếp theo.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho hay: Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế.
Ở khía cạnh khác, Luật sư Hà Huy Phong nhận định, việc miễn giảm thuế không chỉ giới hạn ở thuế TNDN mà nên mở rộng ra các thuế GTGT và một số loại thuế, phí và lệ phí mà DN vừa và nhỏ phải gánh vác. Thực tế trong bối cảnh hiện tại, rất ít DN vừa và nhỏ có lãi và tình hình sẽ còn khó khăn hơn trong năm 2021 nên Chính phủ cần có sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa. Mặc dù chính sách giảm thuế TNDN tốt và hiệu quả nhưng không cứu vãn được tình trạng đi xuống của một số DN đang bên bờ phá sản. Điều này đặt ra một bài toán khác dài hơi hơn.