Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước

22/10/2012 00:00

- Cần chấn chỉnh các khâu từ quy hoạch, xây dựng chiến lược đầu tư đến việc quản lý các nguồn vốn đầu tư. Thực hiện đầy đủ, đúng quy trình các bước của dự án từ việc chọn dự án, đấu thầu, thẩm định, thực hiện dự án. Công khai các quy trình thủ tục, thời hạn, trách nhiệm trong từng khâu của quá trình triển khai dự án. Nâng cao năng lực và hiệu lực QLNN, thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp (Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ tư pháp, Kho bạc nhà nước ), các bộ chủ quản trong việc quản lý các dự án đầu tư. Kịp thời xử lý các vi phạm, thực hiện tốt chức năng giám sát đối với các dự án, đánh giá hiệu quả thực hiện và hiệu quả đầu tư dự án.

- Ban hành các văn bản về chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư dự án. Nhà nước cần sớm ban hành văn bản pháp quy về chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư dự án làm căn cứ tiến hành việc chống lãng phí, thất thoát nói chung và trong đầu tư dự án nói riêng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến từng cán bộ, đảng viên,  làm công tác QLNN về dự án đầu tư thi hành nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng. Các bộ, ngành, địa phương cần lập lại kỉ cương trong đầu tư dự án thông qua kế hoạch triển khai thực hiện và tổng kết rút kinh nghiệm; thành lập các cơ quan chuyên trách về chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư dự án

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách về việc quản lý dự án đầu tư. Xây dựng đồng bộ các chính sách liên quan đến việc QLNN đối với các dự án đầu tư như các chính sách về thuế, lãi suất, chính sách về lao động, đất đai Tổ chức lại các Ban quản lý dự án, tổ chức tư vấn theo quy định về điều kiện năng lực của Luật xây dựng. Xây dựng mạng kiểm định xây dựng để quản lý chất lượng công trình xây dựng trong toàn quốc. Cải cách thủ tục hành chính theo hướng phân cấp mạnh, rõ trách nhiệm, giảm thời gian của các khâu trong quá trình đầu tư và xây dựng

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý dự án. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho cán bộ quản lý phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Quản lý dự án phải trở thành một nghề mang tính chuyên nghiệp, quản lý rủi ro là nội dung quan trọng hàng đầu của quản lý dự án. Đào tạo những kiến thức cơ bản và tạo điều kiện để cán bộ quản lý nghiên cứu về kinh tế thị trường và các kiến thức liên quan như thị trường vốn, thị trường xây dựng, thị trường bất động sản...

Bồi dưỡng, nâng cao tính tự trọng và tự hào nghề nghiệp, trả lương thoả đáng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao dựa trên chất lượng, kết quả công việc.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động đầu tư dự án. Thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động đầu tư dự án nhằm phát hiện, ngăn chặn những hành vi gây lãng phí, thất thoát tiền vốn của Nhà nước. Thanh tra nhằm phát hiện những thiếu sót, sơ hở trong cơ chế quản lý của Nhà nước, kiến nghị với Nhà nước để khắc phục và xử lý; thực hiện xử lý nghiêm sau kết luận thanh tra. Thực hiện chặt chẽ khâu lập, thẩm định trước khi trình phê duyệt dự án đầu tư. Sử dụng cơ chế thuê các tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực kiểm tra và thẩm tra chất lượng các sản phẩm của tất cả quá trình đầu tư dự án. Thành lập hệ thống mạng lưới kiểm tra chất lượng dự án trong phạm vi cả nước để quản lý, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả dự án và trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động dự án.

- Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và phân cấp cho địa phương trong việc quản lý các dự án đầu tư. Cần tạo lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội (ban hành luật), cơ quan của Chính phủ (hướng dẫn thi hành luật) với các địa phương trong việc thực hiện QLNN đối với các dự án đầu tư. Quy định chế độ báo cáo, chế độ trách nhiệm, các chế tài cần thiết xử lý các vi phạm đối với việc quản lý các dự án đầu tư. Cần có kiến nghị kịp thời đối với cơ quan QLNN để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Theo Viện Kinh tế TP.HCM