Giá thép tăng không phải do khan hàng
22/10/2012 00:00
Do phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu nguyên liệu, nên khi giá thép thế giới tăng, giá thép trong nước cũng tăng theo
Báo cáo của Bộ Công Thương sau cuộc kiểm tra thép phối hợp cùng Bộ Tài chính theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu cơ và tăng giá tại một số công ty sản xuất và thương mại trên địa bàn Thái Nguyên và Hà Nội vào giữa tháng 1 vừa qua đã cho thấy, “không có chuyện khan hiếm hàng và găm hàng đợi giá cao để bán trục lợi”.
Trước hết, đó là sự phụ thuộc quá lớn vào phôi nhập khẩu của Trung Quốc, nên khi nước này hạn chế xuất khẩu phôi thông qua điều chỉnh thuế xuất khẩu và loại bỏ các nhà máy công suất thấp, chất lượng lạc hậu, khiến thị trường thế giới bị giảm lượng cung, thì ngành thép của Việt Nam cũng bị tác động theo. Một nguyên nhân khác cũng được đoàn kiểm tra đưa ra là các chi phí và nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất thép cũng tăng mạnh với mức 20%-30%.
Ngoài ra, vào thời điểm cuối năm, việc phải đảm bảo hoàn thành khối lượng xây dựng cơ bản và yêu cầu quyết toán ngân sách của các công trình sử dụng vốn nhà nước hay những biện pháp đẩy mạnh tiến độ các dự án trọng điểm của Nhà nước khiến cho nhu cầu thép cho các công trình tăng.
Theo báo cáo nêu trên, giá thép của các đơn vị thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) là Công ty Gang thép Thái Nguyên và Công ty Thép miền Nam luôn thấp hơn các doanh nghiệp sản xuất khác từ 500.000 đến 700.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, cơ chế bình ổn giá thép này của VNS được đánh giá là không đến tay người tiêu dùng, vì “rất ít doanh nghiệp xây dựng liên hệ trực tiếp với các nhà máy để mua thép theo giá gốc”.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, lý do là bởi các doanh nghiệp xây dựng không được nợ tiền khi lấy hàng trực tiếp từ các đơn vị của VNS. Còn các công ty thương mại hay đại lý khi bán cho các công trình xây dựng thì chấp nhận điều này và tính cả những chi phí liên quan (trong đó có lãi ngân hàng để có vốn kinh doanh) vào giá thép. “Vậy nên, có khi, giá bán của nhà sản xuất chỉ khoảng 14,5 triệu đồng/tấn, nhưng tới các công trình thì lên tới 16 triệu đồng/tấn mà vẫn được chấp nhận”, ông Cường nói.