Giá điện tăng: Sản xuất khó lại càng khó

Giá điện tăng từ 1/7 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) vốn đã khó nay lại càng thêm khó. Đầu vào liên tục tăng, trong khi DN khó có thể tăng giá sản phẩm, làm lượng hàng tồn kho của không ít DN tiếp tục tăng.

22/10/2012 00:00

Giá điện tăng từ 1/7 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) vốn đã khó nay lại càng thêm khó. Đầu vào liên tục tăng, trong khi DN khó có thể tăng giá sản phẩm, làm lượng hàng tồn kho của không ít DN tiếp tục tăng.

Khổ vì điện tăng giá

Ảnh hưởng lớn nhất do giá điện tăng có lẽ là hai ngành thép và xi măng. Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tính toán: Điện là nguyên liệu chính trong của sản xuất thép, giá điện chiếm 1% trong giá thành thép cán và khoảng 6% giá thành sản xuất phôi, tính ra giá điện tăng 5% thì giá thành sản phẩm thép sẽ "đội" lên gần 45.000 đồng/tấn.

Với sản xuất xi măng, điện và xăng dầu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành. Một trong hai nguyên liệu đầu vào này biến động sẽ khiến DN điêu đứng, trong khi ngành xi măng đang "sống dở chết dở" với lượng hàng tồn kho đã lên hơn 2 triệu tấn.

Dù không tiêu tốn điện nhiều như thép hay xi măng nhưng nhiều ngành hàng khác, kể cả những sản phẩm không bị tồn kho lớn cũng khó thoát khỏi khó khăn. Ông Nguyễn Duy Đức, Tổng Giám đốc Công ty TNHHMTV điện cơ Thống Nhất cho rằng, tăng giá điện đồng nghĩa với tăng giá đầu vào, trong khi "đầu ra" muốn tăng hay không lại phải tùy sức mua của thị trường. Dù giá điện không chiếm nhiều trong giá thành nhưng làm đội giá hàng loạt nguyên liệu sản xuất quạt điện như thép, nhựa

Đồng quan điểm này, Tổng Giám đốc Công ty CP kim khí Thăng Long Phạm Hữu Hùng cho biết, dù điện chỉ chiếm 0,5% trong giá thành sản phẩm nhưng cũng ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Năng suất lao động ngày càng tăng, các chi phí đầu vào khác, nhất là tiền lương cho công nhân liên tục tăng đã làm giá thành trên một đơn vị sản phẩm tăng theo, trong khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Tìm cách "sống chung"

Để giải quyết việc tăng giá điện tác động lên giá thành sản phẩm, một số DN như Hội Gỗ mỹ nghệ, Hiệp hội DN TP. HCM cho rằng, bên cạnh việc minh bạch giá điện thì nên cho phép DN sản xuất "nợ tiền điện 6 tháng". Nhưng cũng có DN không tán thành ý kiến này, bởi "thuế là ngân sách, Nhà nước còn quyết được, trong khi điện là của DN sản xuất, chỉ có thể chấm dứt việc tăng giá điện phi lý bằng cách bỏ độc quyền".

Trong lúc chờ Nhà nước có những động thái "mạnh tay" hơn, nhiều DN xác định trước hết phải tự cứu mình. Cắt giảm triệt để mọi chi phí có thể, điều tiết lại sản xuất, cải tiến công nghệ... là những giải pháp nhiều DN đang tích cực triển khai.

Tại Công ty CP kim khí Thăng Long, nhiều phân xưởng đang tìm cách đặt các dây chuyền sát nhau hơn để rút ngắn thời gian sản xuất ra một đơn vị sản phẩm, tận dụng tối đa vật tư nguyên liệu đầu vào, cắt bớt các công đoạn không cần thiết, rút ngắn thời gian gia công... Còn lãnh đạo Công ty Điện cơ Thống Nhất xác định, các biện pháp tổ chức lại sản xuất đều đã được áp dụng từ trước khi giá điện tăng, nên giờ chỉ còn cách khuyến khích người lao động "thắt lưng buộc bụng", tiết kiệm đến mức tối đa để có thể "sống chung" với giá điện tăng.

 

Theo Kinh tế & đô thị