EAEU chưa có hiệu lực, nhập khẩu sắt thép từ Nga đã tăng chóng mặt

Nhập khẩu thép từ thị trường Nga tăng mạnh cả về lượng và trị giá và Nga đã trở thành thị trường cung cấp sắp thép chính thứ 5 cho Việt Nam.

03/10/2016 09:44

Nhập khẩu thép từ thị trường Nga tăng mạnh cả về lượng và trị giá và Nga đã trở thành thị trường cung cấp sắp thép chính thứ 5 cho Việt Nam.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 8 đạt 1,285 triệu tấn với trị giá 652,738 triệu USD nâng con số nhập khẩu trong 8 tháng lên 12,357 triệu tấn, tương đương 5,129 tỷ USD, tăng 24,9% về lượng, giảm nhẹ về trị giá 0,4%.

Trung Quốc vẫn đứng đầu danh sách thị trường nhập khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam với 7,296 triệu tấn, kim ngạch 2,861 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Điểm đáng chú ý là, nhập khẩu sắt thép từ Nga tăng khá mạnh. Trong 8 tháng, nhập khẩu sắt thép từ Nga đạt 468.552 tấn, trị giá đạt 139,710 triệu USD, tăng đến 18.062% về lượng và 2.521% về trị giá. Đây là một sự tăng trưởng đột biến.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, theo nhận định ban đầu của VSA thực tế này có thể xuất phát từ 2 nguyên nhân.

Thứ nhất, do chúng ta đang áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép như phôi thép, thép dài nhập khẩu từ Trung Quốc và thép mạ nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc nên doanh nghiệp đã tìm cơ hội nhập khẩu từ thị trường khác.

Thứ hai, là do tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Kinh tế Á- Âu (gồm 4 nước là Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia)- EAEU.

Với mức tăng trưởng mạnh như vậy, theo Bộ Công Thương, Nga đã trở thành thị trường cung cấp sắp thép chính thứ 5 cho Việt Nam, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Đây là một hiện tượng mới nổi lên, còn khá mới mẻ nên VSA chưa có đánh giá cụ thể về sự tác động đến thị trường thép Việt Nam.

Được biết, EAEU sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5-10 tới. Theo cam kết mà Việt Nam đạt được trong EAEU với mặt hàng sắt thép, lộ trình bảo hộ, cam kết được xây dựng với 4 lộ trình khác nhau: Ngay khi hiệp định có hiệu lực lập tức xóa bỏ thuế nhập khẩu với nguyên liệu thô, thép cuộc cán nóng, ống thép hàn là các các mặt hàng không sản xuất nhiều thị trường trong nước; với sản phẩm như phôi thép, phôi vuông, thép xây dựng cắt giảm thuế có lộ trình 10 năm; các sản phẩm thép cán nguội, thép mạ 7 năm.

EAEU được hai bên khởi động từ tháng 3-2013. Qua 2 năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, ngày 29-5-2015 Thủ tướng Chính phủ các nước đã thay mặt Nhà nước chính thức ký Hiệp định này tại Burabay, Kazakhstan.