Đừng đẩy rủi ro cho doanh nghiệp!
14/10/2014 10:56
Việc kiểm tra, thanh tra thuế tại doanh nghiệp (DN) là rất quan trọng. DN có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong quản lý tài chính, kế toán, đồng thời sẽ xác định được số đúng về lợi nhuận sau thuế của một kỳ kinh doanh.
Những năm gần đây, nhiều DN đã gửi công văn, nhờ vào các mối quan hệ quen biết để “xin” được kiểm tra, thanh tra quyết toán thuế. DN tin rằng, sau kiểm tra, thanh tra thuế, nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước của DN đã được xác định. Song, việc kiểm tra, thanh tra thuế hiện nay lại không đưa lại kết quả như kỳ vọng. Xin nêu một ví dụ điển hình.
Một công ty cổ phần ở Hà Nội vừa được kiểm tra thuế cho niên độ 2013. Như thường lệ, biên bản kết luận kiểm tra thuế nêu rõ số tiền công ty còn phải nộp với từng loại thuế có liên quan, số tiền phạt chậm nộp, số tiền phạt vi phạm hành chính. Và, không thể thiếu một khoản bất thành văn được gọi là “bồi dưỡng” công chức thuế đã “làm việc rất vất vả”.
Song, ông giám đốc doanh nghiệp đã tá hỏa khi đọc biên bản kết luận kiểm tra với một đoạn: “Số liệu kiểm tra tại biên bản này do đoàn kiểm tra căn cứ Báo cáo tài chính, tờ khai thuế giá trị gia tăng, tờ khai tự quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, quyết toán thuế thu nhập cá nhân, sổ kế toán, hóa đơn do đơn vị xuất trình tại thời điểm kiểm tra theo phương pháp chọn mẫu một số chỉ tiêu trên một số tài khoản có ghi nhận chênh lệch tại biên bản này theo phương pháp phân tích rủi ro. Trường hợp sau này phát hiện số liệu trên báo cáo, sổ sách, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu liên quan không đúng với thực tế thì công ty phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Với đoạn trích dẫn đó, mặc dù đã có biên bản kết luận kiểm tra thuế, đã phải nộp truy thu, phạt chậm nộp, phạt vi phạm hành chính nhưng cái “án” truy thu vẫn treo lơ lửng trên đầu DN. Nếu cần thiết, trong thời hạn 10 năm, sẽ có đoàn thanh tra khác tới “hỏi thăm” và “bới lông, tìm vết”, nếu có vi phạm, DN sẽ lại phải nộp truy thu, nộp phạt, đoàn kiểm tra trước hoàn toàn vô can!
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua năm 2012 đã cho phép áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Đó là một bổ sung được coi là tiến bộ nhằm cải cách thủ tục hành chính thuế. Song, sẽ là vô nghĩa khi những rủi ro (nếu có) được cơ quan thuế, công chức thuế tìm cách đẩy sang cho các DN chịu. Với tư duy ấy, các doanh nhân sẽ luôn là “tù nhân dự bị”. Ai dám mạo hiểm dấn thân vào nghiệp kinh doanh?