Dù đã áp thuế tự vệ, thép Trung Quốc vẫn ồ ạt đổ vào Việt Nam
11/07/2016 08:32
Dù đã áp thuế tự vệ, dòng thép nhập khẩu vẫn ồ ạt tràn vào Việt Nam và dự báo, sẽ tiếp tục tăng mạnh vào nửa cuối năm. Ngành thép Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn và thách thức trong việc cạnh tranh với thép xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc...
Nhập khẩu thép sẽ tiếp tục tăng mạnh nửa cuối năm
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,6 triệu tấn thép các loại, với tổng kim ngạch khoảng 3,42 tỷ USD. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc vẫn chiếm tới 60% tổng lượng nhập khẩu.
Như vậy, nhập khẩu thép đã tăng khoảng 48% về lượng so với khoảng hơn 5 triệu tấn nhập khẩu cùng kỳ năm ngoái. Về giá trị chỉ tăng khoảng 1% so với mức 3,38 tỷ USD cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu trong 5 tháng khoảng 7,1 triệu tấn, tăng đến 45% (so với cùng kỳ năm 2015).
Một số mặt hàng khác như tôn mạ và sơn phủ màu cũng đạt mức nhập khẩu lên đến 730.000 tấn, tăng 68%.
Trao đối với PV TBTCVN, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong những tháng đầu năm, tình hình sản xuất, kinh doanh thép trong nước đã có những tín hiệu tốt, có sự tăng trưởng nhẹ. Tuy nhiên, con số thống kê cho thấy, chúng ta vẫn bị thép ngoại lấn lướt, nhất là thép Trung Quốc.
“Từ xưa đến nay, thép Trung Quốc vẫn nổi tiếng có mức giá rẻ hơn thép trong nước và thép nhập khẩu tại các nước khác rất nhiều. Nhất là hiện nay, nước này đang có lượng dư thừa nguồn cung rất lớn khiến cho mức giá lại càng giảm thấp hơn. Với chu kỳ nhu cầu xây dựng tăng mạnh trong nửa cuối năm thì chắc chắn, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng đột biến”- ông Sưa nhận định.
Ngành Thép lại kêu gọi hỗ trợ từ Nhà nước
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị và Triển lãm SEAISI 2016, chủ đề “Đổi mới và tăng cường năng lực cạnh tranh trong ngành thép ASEAN”, Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng đánh giá, ngành thép Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực và thế giới đang đối mặt với những khó khăn và thách thức của việc cạnh tranh với thép xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Ngoài ra, các DN phải đối phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của thép nhập khẩu chứa các nguyên tố hợp kim như Bo, Cr… Sản xuất thép trong nước mới đạt 60% công suất, nhiều doanh nghiệp phải ngưng sản xuất tạm thời,công nhân không đủ việc làm… Tất cả những yếu tố đó khiến cho DN trong nước rất khó khăn.
Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu không nhanh chóng có giải pháp hạn chế lượng nhập khẩu thép, nhất là từ phía đối tác Trung Quốc và gia tăng thị phần cho thép Việt thì các DN nội sẽ tiếp tục lâm vào cảnh ngộ lao đao, khó khăn chồng chất khó khăn. Đặc biệt là khi mùa xây dựng – mùa củ mật của ngành thép đang cận kề.
Mặt khác, đến tháng 10 tới sẽ hết hạn áp thuế tự vệ tạm thời sau 200 ngày có hiệu lực (theo Quyết định số 862/QLCT-P2 của Bộ Công thương từ 7/3/2016). Lúc đó, nếu không tiếp tục thực hiện việc áp thuế tự vệ, các DN Việt có thể sẽ lại rơi vào tình trạng giảm công suất, ngừng sản xuất và phá sản.
Theo tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), ngày 24/6 vừa qua, cơ quan này đã trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét báo cáo cuối cùng về vụ việc này và các DN vẫn đang trông đợi vào hàng rào bảo vệ này.
“Chúng ta cần nhanh chóng, khẩn trương có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn để hỗ trợ DN sản xuất trong nước. Về ngắn hạn, khuyến khích thị trường tiêu thụ thép nội thông qua các chương trình cụ thể và cần thực hiện ngay việc xem xét tiếp tục việc áp thuế tự vệ. Bên cạnh đó, các DN trong nước cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh. Về dài hạn, chúng ta phải tính đến bài toán nâng cao chất lượng và hạ giá thành thép để gia tăng sức cạnh tranh so với đối thủ”, ông Sưa khuyến cáo./.