Dự án thép "khủng" 4,5 tỷ USD thành bãi... chăn bò!
03/11/2014 08:39
Được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép từ năm 2006, mãi cho đến nay, dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất vẫn “dặm chân tại chỗ”.
Hiện nay, dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất được cấp giấy phép đầu tư trên diện tích đất 504ha (trong đó nhà máy chính khoảng 478ha), tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD. Tiến độ cam kết thực hiện dự án theo Giai đoạn 1 (từ tháng 3/2008 đến tháng 10/2010) và Giai đoạn 2 thực hiện từ tháng 6/2009 đến tháng 10/2012.
Hành trình "xin - cho"
Ngày đầu khai sinh, trước đây là dự án Nhà máy luyện cán thép Tycoons Việt Nam được Bộ KH&ĐT cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 8/9/2006, do Công ty Tycoons – Đài Loan (chuyên sản xuất ốc vít) làm chủ đầu tư.
Đến cuối năm 2007, Tập đoàn E-United cùng tham gia dự án và đầu năm 2008 tiến hành động thổ, đổi thành dự án Nhà máy thep Guang Lian Dung Quất.
Từ lúc Bộ KH&ĐT cấp GCN đầu tư đến nay, nhà đầu tư dự án lần lượt “xin” điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư và được Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất “cho” điều chỉnh 4 lần. Cụ thể, thay đổi lần thứ nhất vào ngày 14/12/2006, lần thứ 2 ngày 12/10/2007, lần thứ 3 ngày 4/2/2008 và lần thứ 4 vào ngày 18/7/2008.
Chưa dừng lại ở đó, đến cuối năm 2010, nhà đầu tư tiếp tục xin điều chỉnh lần thứ 5. Với 4 nội dung điều chỉnh gồm tăng vốn điều lệ của Công ty đã thành lập ở Việt Nam từ 600 triệu USD lên 900 triệu USD; tăng diện tích đất của dự án; tăng quy mô, công suất của dự án lên 7 triệu tấn; điều chỉnh tổng vốn đầu tư của dự án từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD. Qua thẩm tra và lấy ý kiến của 4 Bộ (KH&ĐT, Tài chính, KH&CN và Công thương), Ban Quản lý KKT Dung Quất “từ chối” điều chỉnh lần 5.
Sau nhiều năm bế tắc, dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất chỉ mới mọc lên cỏ dại. Vào năm 2011, Tập đoàn JFE đặt vấn đề muốn tham gia dự án này và được các cơ quan chức năng chấp thuận. Sau hơn 2,5 năm, bất ngờ Tập đoàn JFE xin rút lui khỏi “cuộc chơi” vì 2 lý do (giá thép giảm và khó cạnh tranh với các dự án thép quy mô lớn trong khu vực).
Cho đến nay, dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất vẫn còn nằm “trên giấy” và gây nhiều tranh cãi nên để tiếp tục hay rút giấy phép?!
Chiếm dụng hàng trăm héc-ta đất làm nơi... chăn bò
Đến tháng 10/2014, tổng diện tích đất sạch mà Nhà nước bàn giao và cho thuê với 330,6ha (chiếm trên 65% tổng diện tích dự án); trong đó diện tích nhà máy là 295ha (nhu cầu đất dự án 478ha), cảng chuyên dùng 26,9ha (đạt nhu cầu 100%), nhà ở công nhân thuộc xã Bình Đông (6,2ha/13ha nhu cầu), nhà ở công nhân thuộc TP Vạn Tường (3,3ha/13ha). Ngoài ra, còn có 38,6ha đất sạch chưa bàn giao cho nhà đầu tư.
Với diện tích đất ưu ái cho nhà đầu tư, Nhà nước đã bỏ ra hơn 175 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng (chưa kể chi phí xây dựng khu tái định cư và nghĩa địa). Thế nhưng, địa phương và nhân dân nhận lại chỉ là hàng rào kiên cố, vài chiếc cọc cùng bãi cỏ dại mọc um tùm để đàn bò rong chơi.
Thành quả đầu tư chỉ với những chiếc cọc đóng làm kiểng và là nơi đàn bò rong chơi. |
Theo báo cáo số GL-QN-14-10-003/D01 ngày 9/10/2014 của Công ty TNHH Guang Lian Steel (Việt Nam) cho biết tình hình vốn đã góp và đã thực hiện đầu tư đến thời điểm ngày 30/9/2014. Bao gồm vốn đã góp là 42 triệu USD (tương đương khoảng 757 tỷ đồng) và vốn đã thực hiện đầu tư khoảng 745 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tài (64 tuổi, ngụ xã Bình Thuận, Khu Kinh tế Dung Quất) bức xúc: “Đất thì đưa cho họ (nhà đầu tư) gần 10 năm rồi, nhận lại với giá đền bù rẻ mạt, tưởng chừng thế hệ con cháu được tạo điều kiện việc làm, nào ngờ đâu cái nhà máy thép chỉ mới xây khu văn phòng, còn lại là cỏ dại mọc kín hàng trăm héc-ta đất của dân nghèo chúng tôi. Giờ này họ không làm được thì thôi đừng cho họ làm nữa, chứ nước thải của sắt, thép mà ngấm xuống lòng đất, chắc những đời sau chỉ uống toàn nước độc thôi”.
Tỉnh "buông tay"
Trải quá hành trình đầu tư dự án, mức độ huy động vốn và hiệu quả đầu tư vẫn nằm ở “vạch xuất phát”. Dư luận đặt nghi vấn “Nhà đầu tư dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất cố gắng níu kéo và duy trì nhằm mục đích gì?”
Sau khi Tập đoàn JFE rút lui, Công ty TNHH Guang Lian Steel (Việt Nam) tiếp tục “xin” tái khởi động lại dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ quả quyết đề nghị: “Nếu nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án, đề nghị trình hồ sơ và thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 31/12/2014, đương nhiên hồ sơ phải có văn bản chấp thuận cho vay vốn của Ngân hàng. Bên cạnh đó, cung cấp hợp đồng vay vốn với Ngân hàng trước tháng 3/2015 và bắt đầu tiến hành khởi công lại vào tháng 6/2015. Khi nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện này, tỉnh Quảng Ngãi xin ý kiến các cấp thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư ngay”.
Ông Lê Viết Chữ nhấn mạnh: “Trước mắt, UBND tỉnh kiến nghị tập trung theo phương án cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án để thể rõ quan điểm của tỉnh Quảng Ngãi trong việc luôn tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhà đầu tư. Nếu đến tháng 6/2015, nhà đầu tư vẫn không thể triển khai được dự án thì đây là căn cứ pháp lý quan trọng để tỉnh kiến nghị xử lý thu hồi dự án”.