Dự án ngàn tỉ phơi mưa nắng
02/03/2015 10:40
Được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng nhưng nhiều nhà máy tại Nghệ An và Hà Tĩnh lại rơi vào tình trạng “đắp chiếu” trong nhiều năm, gây lãng phí rất lớn
Nhà máy Xi măng Dầu khí 12/9 (đóng tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) được xây dựng từ năm 1996-1997, công suất 90.000 tấn/năm. Do sản phẩm kém chất lượng và phải sử dụng nhiều lao động nên nhà máy này kinh doanh không hiệu quả.
Nguy cơ trở thành đống sắt vụn
Để cứu vãn tình hình, năm 2009, Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Công ty Cổ phần Xi măng Dầu khí 12/9 đã hợp tác chuyển đổi dây chuyền sản xuất từ lò đứng sang lò quay, nâng công suất Nhà máy Xi măng Dầu khí 12/9 từ 90.000 tấn lên 550.000 tấn/năm. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án nâng cấp nhà máy là 814 tỉ đồng. Đến tháng 6-2013, khi dự án đã được giải ngân 777 tỉ đồng thì phải dừng xây dựng vì thiếu vốn.
Dự án nâng cấp nhà máy đình trệ nên dây chuyền sản xuất, trang thiết bị, máy móc trị giá hàng trăm tỉ đồng nhập về bị phơi mưa nắng suốt nhiều năm qua. Nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, muốn hoàn thành nhà máy này thì cần phải đầu tư thêm ít nhất 300 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư của dự án lên đến trên 1.100 tỉ đồng. Số vốn này quá lớn nên khả năng vận hành nhà máy cũng hết sức mờ mịt.
Cũng trong tình trạng hoang phế như trên, dự án Nhà máy Thép Vạn Lợi (Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) do Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư đã bị “đắp chiếu” nhiều năm qua. Dự án được khởi công năm 2008 với công suất 500.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng. Theo dự kiến, nhà máy đi vào hoạt động năm 2010, giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động tại địa phương. Sau 2 năm khởi công, đến cuối năm 2010, dự án này buộc phải dừng thi công do thiếu vốn.
Dự án bị ngưng trệ đã hơn 4 năm nên hiện tại, hệ thống nhà điều hành, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất nằm ngổn ngang, trơ trọi trong diện tích 25 ha đất của nhà máy. Nhiều hạng mục công trình, thiết bị bằng sắt do phơi mưa nắng nhiều năm đã hoen gỉ, xuống cấp nặng.
Ông Nguyễn Văn Cường - một người dân ở xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh - xót xa: “Lãng phí quá! Mỗi lần đi qua đây, nhìn khối tài sản khổng lồ bị bỏ lăn lóc, xuống cấp từng ngày mà tôi tiếc đứt ruột. Nếu không được bảo quản, sử dụng, chắc chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, chúng sẽ trở thành đống sắt vụn”.
Chuyển giao, thu hồi dự án
Dự án Nhà máy Xi măng Dầu khí 12/9 ngừng triển khai không chỉ gây ra tình trạng lãng phí mà còn khiến gần 400 công nhân làm việc tại đây rơi vào tình cảnh sống lay lắt qua ngày.
Chị Nguyễn Thị Q., một công nhân của nhà máy, buồn bã: “Nhà máy thi công kéo dài nên công nhân phải thay phiên nhau nghỉ việc, một tháng chỉ làm 10-15 ngày, thu nhập khoảng hơn 1 triệu đồng, không đủ sống. Lương ít nhưng công nhân vẫn bị công ty nợ, không đóng bảo hiểm xã hội... Tôi đã làm việc ở đây hơn 15 năm, bỏ đi không đành, giờ chỉ mong dự án sớm triển khai trở lại để công nhân có việc làm, ổn định cuộc sống”.
Nói về tương lai của nhà máy, ông Nguyễn Đăng Tịnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Dầu khí 12/9, cho biết: “Dự án triển khai chậm làm đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đang làm thủ tục chuyển giao dự án cho đối tác khác. Khi chuyển giao, mọi quyền lợi của người lao động sẽ được bảo đảm, đời sống của họ sẽ tốt hơn”.
Trong khi đó, liên quan đến dự án Nhà máy Thép Vạn Lợi, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, cho rằng nhiều năm qua, UBND tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhưng chủ đầu tư không tiếp tục triển khai dự án. “UBND tỉnh Hà Tĩnh hết cách rồi! Chúng tôi đã có văn bản mời chủ đầu tư đến làm việc để thu hồi dự án” - ông Tuấn khẳng định.
Thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh cho biết dự án Nhà máy Thép Vạn Lợi đang nợ các ngân hàng trên 700 tỉ đồng. Trong đó, hơn 600 tỉ đồng vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hà Tĩnh, số còn lại vay từ BIDV và Vietcombank.