Dòng cổ tức từ vốn Nhà nước chảy về đâu?
14/06/2016 16:13
Câu chuyện thu cổ tức thuộc phần vốn sở hữu Nhà nước tại VietinBank và BIDV về Ngân sách Nhà nước khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Bấy lâu nay, dòng lợi nhuận từ hàng triệu tỷ đồng mà Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp trở lại với Nhà nước như thế nào?
Khung pháp lý đã rõ ràng
Cuối năm 2013, khu vực doanh nghiệp Nhà nước xôn xao trước Nghị quyết 57/2013/QH13 của Quốc hội về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2014. Trong đó nêu rõ: thực hiện thu Ngân sách Nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn Nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do các bộ, ngành địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Chính phủ hướng dẫn cơ chế thu, phân bổ và quản lý sử dụng có hiệu quả.
Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải nộp cổ tức thu được từ công ty con, công ty liên kết và lợi nhuận chưa sử dụng hết về Ngân sách thay vì được tự chủ như trước kia. Tất nhiên, Quốc hội và Chính phủ vẫn định hướng để lại một phần lợi nhuận cho các doanh nghiệp Nhà nước để tái đầu tư, thanh toán các khoản nợ phải trả… Trước năm 2013, Nhà nước để lại 100% cổ tức và lợi nhuận cho các doanh nghiệp thuộc khu vực này.
Chưa đầy 1 tháng sau, Chính phủ đã ban hành Nghị định 204/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó quy định tiền cổ tức phần vốn Nhà nước nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, do Bộ Tài chính quản lý đặt tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). SCIC có trách nhiệm rà soát, phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, đôn đốc doanh nghiệp nộp đầy đủ, kịp thời khoản cổ tức được chia quy định tại nghị định này về Quỹ để chuyển nộp vào Ngân sách Nhà nước, chậm nhất không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày thu tiền về Quỹ. Số thu cổ tức nộp Ngân sách Nhà nước được điều tiết 100% cho ngân sách trung ương.
Với các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, phần lợi nhuận còn lại (sau khi trích các quỹ, hiện là 70% lợi nhuận sau thuế) được doanh nghiệp kê khai với cơ quan thuế và tạm nộp vào Kho bạc Nhà nước cùng với thời điểm kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp (theo quý). Hiện Phòng Quản lý doanh nghiệp lớn của Tổng cục Thuế đảm nhận việc này.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 12, 13, dòng tiền này quan trọng không chỉ vì có quy mô lớn, mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, nơi Nhà nước bỏ vốn đầu tư, đặc biệt, đóng vai trò như một công cụ để đánh giá năng lực của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Bởi thế, trong các nghị quyết về dự toán Ngân sách năm 2015, 2016 của Quốc hội sau này, đều nhắc lại yêu cầu phải tiếp tục đôn đốc hai nguồn thu trên.
Tiền có trách nhiệm
Chưa đầy 1 tháng sau khi Nghị định 204/2013/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, theo Bộ Tài chính, đến ngày 31-12-2013, đã thu được cho Ngân sách trên 20.000 tỷ đồng cổ tức doanh nghiệp Nhà nước và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nắm 100% vốn. Số tiền này đã đảm bảo thanh toán 14.800 tỷ đồng nợ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) phát sinh năm 2013, gỡ khó cho nhiều doanh nghiệp và được đánh giá là bước chuyển nổi bật trong Ngân sách Nhà nước nhiều năm qua. Đây là số tiền thực thu, đã được chuyển vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước, không phải là 100% số cổ tức, lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc diện phải nộp.
Năm 2016, theo kế hoạch, Nhà nước sẽ thu được ít nhất 55.000 tỷ đồng. Phân tích kỹ hơn, số liệu của SCIC cho thấy, năm 2015, có hơn 10.000 tỷ đồng cổ tức nộp qua Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp đã được chuyển vào Ngân sách Nhà nước. Bởi vậy, có thể thấy, tỷ trọng rất lớn nguồn thu tới từ phần lợi nhuận còn lại của các tập đoàn, tổng công ty. Những doanh nghiệp đã nộp vào Ngân sách nhiều nhất theo cơ quan thuế là Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tập đoàn Dầu khí, Công ty Thông tin di động, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam…
Vậy có tình trạng chây ỳ cổ tức và lợi nhuận để lại của các tập đoàn, tổng công ty hay không? Lãnh đạo SCIC cho biết, tổng công ty này thường xuyên nắm bắt sát sao dữ liệu và đôn đốc việc nộp về Quỹ, trong quá trình đó, có phát sinh một số trường hợp chậm trả cổ tức. Chẳng hạn, doanh nghiệp có nghị quyết trả cổ tức trong quý II của năm nhưng vì phát sinh một khoản giải ngân đầu tư đột xuất nên quá thời hạn mà không có nguồn chi trả. Với những trường hợp này, về lý thuyết, SCIC có thể kiện doanh nghiệp ra tòa, nhưng sau nhiều lần đôn đốc, hầu hết các doanh nghiệp đều đã hoàn thành được việc trả cổ tức, không để nợ đọng. Còn việc thu thuế doanh nghiệp lớn, theo một lãnh đạo Tổng cục Thuế, cũng không quá khó khăn vì Bộ Tài chính nắm và quản lý tài chính khu vực doanh nghiệp này rất sát sao, khi có quyết định là cơ quan thuế thu được kịp thời.
Siết chặt kỷ luật
Về câu chuyện liên quan đến cổ tức của 2 ngân hàng Vietinbank và BIDV, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, cần thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính và các quy định đã được ban hành. Theo vị chuyên gia này, ở một góc độ nhất định, có thể thông cảm với ngành ngân hàng về việc chia cổ tức, bởi họ phải tham gia tái cơ cấu nợ xấu, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, đã là tổ chức tài chính có vốn chi phối của Nhà nước, phải có trách nhiệm với đồng vốn Nhà nước đầu tư. Một tỷ lệ cổ tức hợp lý (không phải chia phần lớn lợi nhuận của ngân hàng) bằng tiền mặt nên được xem xét.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, một phó tổng giám đốc SCIC cho biết, hiện không có quy định cứng về việc người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp bắt buộc phải bỏ phiếu cho việc yêu cầu doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt. Việc chia cổ tức bao nhiêu và bằng hình thức nào tùy thuộc vào quan điểm phát triển doanh nghiệp của từng cổ đông. Khi doanh nghiệp cần một lượng vốn lớn để đầu tư và đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai, trong khi cổ đông không có tiền mặt góp vốn thì cổ tức bằng cổ phiếu được xem xét lựa chọn. Về lý thuyết, nếu cổ đông cần tiền có thể bán số cổ phiếu đó đi. Nhưng với Ngân sách và cổ đông Nhà nước, việc bán cổ phiếu thường đi kèm với số lượng lớn và có tác động hiệu ứng tới thị trường cũng như các cổ đông khác trong doanh nghiệp, do đó không dễ thực hiện nhanh. Bởi vậy, chính sách cổ tức của doanh nghiệp ưu việt hơn cả là cân bằng được lợi ích của các nhóm cổ đông và phải hài hòa với lợi ích của người lao động trong doanh nghiệp.
Tại SCIC, cổ tức là một trong những nội dung được đề cập kỹ trong Sổ tay hướng dẫn biểu quyết, tài liệu mà Tổng công ty phải dày công xây dựng với sự hợp tác của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản và Viện Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, trong đó có tham khảo nhiều kinh nghiệm quản trị từ nước ngoài.
Một lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đồng tình rằng, cổ tức là vấn đề cần được xem xét trong tổng thể khách quan, liên quan đến kế hoạch phát triển của doanh nghiệp, không chỉ trong một năm mà có thể nhiều năm. Doanh nghiệp cũng phải tính chuyện tích cốc phòng cơ, phòng khi thị trường không thuận lợi, năm nay lãi lớn nhưng năm sau có thể thua lỗ.
Thường các tập đoàn kinh tế lớn có trách nhiệm đóng góp nhiều lợi nhuận cho Ngân sách và hiện nay, chúng ta có đầy đủ khung pháp lý để không phải lo ngại rằng, có thể xảy ra trường hợp người đại diện cho cổ đông Nhà nước bỏ phiếu tùy tiện các vấn đề liên quan đến cổ tức của doanh nghiệp.
Thông lệ ở nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí là nếu có điều kiện thường phải trích dự phòng và thể hiện ở khoản mục lợi nhuận chưa phân phối, nhưng trước hết đều phải xem xét trả cổ tức bằng tiền mặt ở một tỷ lệ nhất định nào đó. Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc không trả cổ tức trong khi có lãi phải được xem xét dựa trên những phương án và luận điểm chi tiết, được thuyết minh bằng những con số cụ thể, chứ không được “bốc thuốc” chung chung.
Dư địa còn lớn
Việc quản lý chặt chẽ nguồn thu cổ tức từ phần vốn Nhà nước và lợi nhuận để lại của doanh nghiệp nhà nước là phù hợp với thông lệ quốc tế. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng, toàn bộ cổ tức được chia tại công ty cổ phần có vốn Nhà nước phải nộp cho ngân sách Nhà nước. Chẳng hạn tại Thái Lan, hiện Chính phủ Thái Lan chỉ nắm giữ 51% cổ phần tại vài chục doanh nghiệp lớn, nhưng hàng năm tiền cổ tức chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách.
Một tính toán của VAFI cho thấy, năm 2014, năm đầu tiên Quốc hội và Chính phủ thực hiện động viên nguồn thu này, tổng số tiền thu được (nếu Chính phủ mạnh tay) có thể lên tới 3 - 4 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng thu Ngân sách Nhà nước. Con số này còn có thể tăng lên 15% tổng thu Ngân sách nếu các cơ quan nhà nước thực thi chặt chẽ, nghiêm khắc với khối doanh nghiệp Nhà nước.
Hiện nay, cổ tức của các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa (phần vốn Nhà nước do các tập đoàn, tổng công ty quản lý) sẽ được hạch toán vào doanh thu và lợi nhuận của công ty mẹ. Có ý kiến từ các nhà đầu tư e ngại rằng, khi Nhà nước siết chặt việc thu lợi nhuận để lại, liệu có dẫn tới việc, các tập đoàn, tổng công ty bỏ phiếu thông qua việc chia cổ tức bằng tiền rất thấp tại các công ty con để hạn chế việc nộp tiền vào ngân sách Nhà nước? Để hạn chế ở mức thấp nhất khả năng này, giới chuyên gia góp ý, Nhà nước có thể xem xét phân loại các doanh nghiệp lớn và áp khoảng chỉ tiêu về lợi nhuận nộp vào Ngân sách. Khi công ty mẹ chịu áp lực về khoản thu phải nộp vào Ngân sách, họ sẽ phải tạo áp lực với các công ty con và không thể có tình trạng “bốc thuốc” cổ tức.
Bên cạnh ý nghĩa về động viên Ngân sách, thực hiện “có tình, có lý” việc thu cổ tức của doanh nghiệp nhà nước còn góp phần tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng quản trị tại các doanh nghiệp. Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam nhận xét, từ trước tới nay, giới lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước chưa chịu áp lực lớn, hay nói cách khác, Nhà nước còn “nhẹ tay” với người quản lý các doanh nghiệp. Kết quả là rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước coi nhẹ chỉ tiêu lợi nhuận, thậm chí tạo không gian cho hành vi trục lợi, tham nhũng.
Chưa kể đến việc nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vung tay đầu tư, sử dụng hết phần cổ tức của các công ty con, lợi nhuận của tập đoàn, thậm chí vay nợ lớn để đầu tư dàn trải, hiệu quả kém. Vị này đã dẫn ra trường hợp của Tập đoàn Dầu khí năm 2012, dù Chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn không được bỏ vốn đầu tư ngoài ngành, nhưng vẫn rót 1.000 tỷ đồng tăng vốn tại Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX), bất chấp việc các cổ đông khác ngoảnh mặt với đợt tăng vốn. Kết quả là, cho đến nay, khoản đầu tư trên đã bốc hơi 3/4 giá trị (tính theo thị giá cổ phiếu PVX trên thị trường, hiện chỉ còn 2.500 đồng/CP).
Việc đề cao hiệu quả sản xuất kinh doanh như vậy sẽ tạo áp lực đào thải những nhà quản lý yếu kém, buộc giới quản lý doanh nghiệp Nhà nước phải chú trọng tuyển dụng và trân trọng người tài, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, một trong ba trụ cột tái cấu trúc nền kinh tế.