Đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước

Tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã đi gần đến đích về số lượng DNNN cần cổ phần hóa (CPH), số lượng các tập đoàn, TCT phải tiến hành cơ cấu lại gắn với thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính.

08/06/2015 10:57

Tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã đi gần đến đích về số lượng DNNN cần cổ phần hóa (CPH), số lượng các tập đoàn, TCT phải tiến hành cơ cấu lại gắn với thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính.

Tuy nhiên, chất lượng cơ cấu lại các DNNN chưa đi đôi với thay đổi về số lượng, trong đó đáng quan tâm nhất là đổi mới cơ bản quản trị DNNN, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động không chỉ của các DNNN sau CPH mà cả những DNNN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn.

Khác biệt lớn nhất của DNNN so với DN ngoài Nhà nước là quyền lợi và trách nhiệm của người quản lý DN không gắn với quyền sở hữu vốn, tài sản tại DN, họ chỉ là người đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước. Thực tế, cơ chế quản trị này không giúp DNNN hoạt động hiệu quả mà càng khó cạnh tranh với các DN ngoài Nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng. Do cơ quan quản lý phần vốn nhà nước tại DN chủ yếu là các bộ chủ quản đối với DNNN 100% vốn nhà nước, TCT quản lý và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đối với DN còn vốn Nhà nước sau CPH. Cho nên, sự can thiệp trực tiếp bằng các mệnh lệnh hành chính vào hoạt động của DNNN rất lớn và thường xuyên. Hơn nữa, cả các bộ chủ quản và SCIC đều mang tính chất của cơ quan quản lý nhà nước, nên không thể tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", hoặc dành ưu tiên ưu đãi theo kiểu phân biệt đối xử cho các DNNN hoặc hy sinh mục tiêu kinh doanh của DNNN cho các mục tiêu thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, do là cơ quan quản lý nhà nước, nên việc lựa chọn người đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại DN, qua đó trực tiếp hoặc gián tiếp lựa chọn người quản lý điều hành DN thường không dựa trên các tiêu chí về tài năng kinh doanh, về khả năng quản lý DN, chủ yếu căn cứ vào các tiêu chí tuyển chọn và bổ nhiệm công chức, viên chức, khác xa so với tiêu chí của người quản trị DN. Vì vậy, quyền lợi và trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không tương xứng vai trò của vốn Nhà nước tại DN, dù là toàn bộ hay một phần. Trong không ít trường hợp, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN chỉ đơn thuần là viên chức làm công ăn lương, theo đó, rất khó hy vọng sự đóng góp của họ vào quản trị DN. Mục tiêu thành lập và hoạt động của không ít DNNN không rõ ràng, chưa tách bạch mục tiêu sản xuất, kinh doanh với công cụ thực thi chính sách kinh tế - xã hội nên khó xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả quản trị DNNN nói chung, hiệu quả hoạt động của người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN và người quản lý DN nói riêng.

Tóm lại, quản trị DNNN chỉ thật sự đổi mới cơ bản và hiệu quả khi tách bạch được quản lý nhà nước với quản lý DNNN, với kinh doanh vốn nhà nước; giữa quản lý hành chính với quản lý kinh doanh; giữa công chức, viên chức nhà nước với người/tổ chức kinh doanh vốn nhà nước; giữa quản lý vốn nhà nước với kinh doanh vốn nhà nước.