Đổi mới công nghệ: Bài toán đặt ra không chỉ với doanh nghiệp
22/10/2012 00:00
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có sự góp mặt khoảng 250.000 doanh nghiệp, trong số đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 90%. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam luôn phải chịu lép vế về vốn, công nghệ và trình độ quản lý... khi so sánh với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt là vấn đề đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập bình đẳng, minh bạch không có sự bảo trợ của nhà nước.
Vấn đề đổi mới công nghệ luôn là bài toán nan giải đặt ra cần có lời giải từ nhiều năm nay không chỉ đối với các doanh nghiệp và ngay cả với các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu. Theo thông tin khảo sát từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, phần lớn các doanh nghiệp nước ta hiện đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Có 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 1970, trên 70% số thiết bị đã hết khấu hao, khoảng 50% máy móc thiết bị tân trang, thay thế thiếu đồng bộ... Với tình trạng trang thiết bị chậm được đổi mới như vậy nhưng hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vốn cho việc nâng cao, đổi mới trang thiết bị, máy móc vẫn còn rất khiêm tốn. Hiện nay, tính trung bình, tỷ lệ đầu tư cho đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng dưới 0,5% doanh thu. Tỷ lệ này so với các nước trong khu vực và trên thế giới là rất thấp, điển hình như: Nhật Bản trên 10%; Hàn Quốc khoảng 10%, Ấn Độ là 5%... Với thực tế so sánh này nên sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước hàm lượng chất xám chứa không nhiều, giá trị thực đem lại không cao. Xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là sản phẩm thô, ít các sản phẩm mang yếu tố sáng tạo và giá trị gia tăng thấp. Điển hình như các ngành may mặc, da giầy, lắp ráp điện tử... xuất khẩu chủ yếu là gia công cho các đối tác nước ngoài. Công nghệ lạc hậu nên năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất gia tăng khiến sản phẩm kém sức cạnh tranh do giá thành cao.
Cũng theo kết quả thông tin khảo sát cho thấy, với hơn 11.000 doanh nghiệp tại 30 tỉnh, thành phố phía Bắc, thì có 39,6% doanh nghiệp có nhu cầu thông tin về cơ chế chính sách liên quan, 25,9% doanh nghiệp có nhu cầu về thông tin công nghệ mới, 22,6% có nhu cầu thông tin về thị trường. Tỷ lệ doanh nghiệp thực sự thường xuyên quan tâm đến đổi mới công nghệ và đã đạt đến trình độ khoa học tiên tiến vẫn còn rất khiêm tốn, mới chỉ có khoảng dưới 10% vốn nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Một thực tế hiện nay, trong khi doanh nghiệp nước ngoài quan tâm hàng đầu đến khoa học công nghệ, thị trường và đặc biệt quan tâm đến đổi mới công nghệ, luôn luôn đặt vấn đề đổi mới công nghệ lên hàng đầu trong việc nâng cao sức mạnh cạnh tranh thì phần lớn doanh nghiệp Việt Nam lại coi đây không phải là vấn đề thiết yếu, mà quan tâm nhiều đến cơ chế chính sách, những hỗ trợ, ưu ái từ phía nhà nước. Các thông tin về kỹ thuật và công nghệ còn ít được doanh nghiệp quan tâm, trong khi đây là những thông tin phục vụ trực tiếp cho sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tình hình áp dụng công nghệ thông tin, máy tính, internet vào hoạt động nghiệp vụ, điều hành sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong những năm gần đây đã phát triển mạnh, tuy nhiên tỷ lệ này cũng mới chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực. Hiện có khoảng trên 60% doanh nghiệp sử dụng máy vi tính; doanh nghiệp sử dụng mạng internet nội bộ khoảng 12% và mới chỉ có khoảng trên 2% doanh nghiệp đầu tư xây dựng cho mình website riêng.
Trong những năm qua Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh thực hiện Chương trình thương mại điện tử Chính phủ và đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Thông qua chương trình này, nhiều doanh nghiệp đã hiểu được vai trò quan trọng của thương mại điện tử trong quá trình hội nhập và tham gia tích cực vào việc thực hiện giao dịch qua thương mại điện tử và khai thác thông tin qua mạng. Tuy nhiên, trong cộng động doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp thiếu thông tin và thiếu hiểu biết về trình độ công nghệ chung trên thế giới đang phát triển đến mức nào và tính thiết thực của nó trong ứng dụng thực tế ra sao vẫn còn rất hạn chế. Chính sự hiểu biết đó cho nên không ít doanh nghiệp bỏ tiền ra mua trang thiết bị, công nghệ về nhưng không sử dụng hết tính năng, công suất thiết kế nên rất phí... Mặt khác, cũng không ít doanh nghiệp thiếu thông tin trong mua sắm trang thiết bị công nghệ, nên khi mua về mới biết “mới ta nhưng cũ người”, đến khi sản xuất, phải cạnh tranh trên thị trường mới hay rằng, công nghề vừa mua quá lạc hậu so với thế giới. Một số trường hợp, công nghệ lúc mua là loại tiên tiến, nhưng do xác định công suất quá lớn so với khả năng nguyên liệu lúc bấy giờ, cho nên 10-15 năm sau vẫn chưa thu hồi được vốn, không có tiền để tiếp tục đổi mới công nghệ nên thành lạc hậu. Trong đầu tư, phần lớn các doanh nghiệp chỉ chú ý đến thiết bị mà quên rằng, công nghệ hàm chứa các yếu tố: thiết bị, con người, thông tin, thiết chế. Các yếu tố này có đồng bộ thì mới phát huy được tác dụng của công nghệ.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, năng lực tài chính, trình độ quản lý hạn chế vì vậy nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận, đổi mới công nghệ hiện đại. Đây được coi là bài toán nan giải đặt ra không chỉ với riêng các doanh nghiệp mà còn với cả các nhà nghiên cứu, các cơ quan hữu quan từ nhiều năm nay mong có được lời giải thích hợp. Để giải bài toán này, theo các chuyên gia kinh tế cho rằng, phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thông tin công nghệ cho những ngành chính để mỗi doanh nghiệp có thể tự chọn cho mình loại công nghệ phù hợp. Mặt khác, các doanh nghiệp hiện nay rất thiếu thông tin cập nhật giới thiệu công nghệ mới, những tính năng nổi trội khi ứng dụng vào các ngành sản xuất, thiếu các chuyên gia tư vấn... nên rất lúng túng trong việc đầu tư, lựa chọn công nghệ để đổi mới. Bên cạnh việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, cũng cần thực hiện cổ phần hoá các cơ sở nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ để huy động các cơ sở này vào việc phục vụ doanh nghiệp có hiệu quả.
 (Nguồn: TCDN)