Doanh nghiệp yếu thế, tăng trưởng ai làm

Giới chuyên gia kinh tế đang lo không có người thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm 2014 và 6,2% năm 2015 mà các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng.

02/10/2014 10:20

Giới chuyên gia kinh tế đang lo không có người thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm 2014 và 6,2% năm 2015 mà các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng.

Chính phủ đang bàn về những con số cụ thể trong dự báo chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2014 cũng như kế hoạch năm 2015 với những nỗ lực rất cao.

Trong ngày họp Chính phủ đầu tuần, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý hiệu quả các hạn chế, yếu kém, khó khăn đang cản trở sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng, không nói chung chung.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nói, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP là 5,8% so với 2013, đề nghị phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cho cả 3 khu vực kinh tế bằng các giải pháp thiết thực.

Nhưng giới chuyên gia kinh tế thì vẫn rất lo ngại.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2014: “Nếu doanh nghiệp cứ đóng cửa nhiều lên, đầu tư nước ngoài cứ vượt trội. Nợ xấu vẫn tăng nghĩa là tốc độ xử lý nợ chậm hơn tốc độ tăng nợ thì cục máu đông của nền kinh tế có giảm được không. Với thực trạng doanh nghiệp này thì mục tiêu tăng trưởng năm tới ai làm?”, ông Thiên đặt câu hỏi.

Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển thậm chí còn cho rằng, doanh nghiệp đang ở đáy của khó khăn.

“Các nhà kinh tế vẫn đang hỏi nhau, nền kinh tế Việt Nam đã đến đáy chưa. Có người nói chưa. Có người nói rồi. Tôi cho rằng, nền kinh tế đã ở đáy vào cuối năm 2013, nay đang vật vã đi lên nhưng doanh nghiệp thì vẫn đang ở đáy”, ông Tuyển bày tỏ quan điểm.

Sức yếu của doanh nghiệp Việt Nam khiến ông Tuyển đang vẽ hướng đi lên của góc tăng trưởng kinh tế Việt Nam là theo đường parabol và tốc độ là chậm.

“Nhiều người không đồng tình, nhưng tôi nhìn vào hai nguyên nhân để nhận định, đó là tổng cầu yếu, tín dụng tăng chậm”, ông Tuyển nói.

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược khi nhìn vào mức tăng trưởng đầu tư công vẫn lên tới 36,5% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào quý III/2014 để lo cho sự trở lại của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Cộng với đó là lãi suất ngân hàng dù hạ nhưng vẫn cao so với các nước, thậm chí là thuộc các nước có lãi suất cao nhất thế giới. “Nếu thế này thì doanh nghiệp vay làm gì cũng chết”, ông Lược nhận định.

Đây là lý do chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm đề nghị có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tái cơ cấu, chứ không chỉ là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 9 tháng đầu năm có 48.330 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động. Số doanh nghiệp đăng ký mới là 53.192

Tình hình chung vẫn là số doanh nghiệp đăng ký mới giảm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể vẫn cao cho thấy môi trường kinh doanh vẫn khó khăn.

Phần lớn các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể là do không tiêu thụ được sản phẩm, do cầu của thị trường quá yếu, mặt khác, cũng do tác động của quá trình sàng lọc và tái cấu trúc doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.