Doanh nghiệp thép gặp khó trước nghi vấn trốn thuế
02/11/2016 09:21
Sau ba quý đầu năm “dễ thở” hơn, doanh nghiệp thép trong nước lại phải đối mặt với khó khăn từ vụ kiện trốn thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.
Nhập khẩu thép tăng đột biến
Mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương cho biết, hai sản phẩm thép cán nguội và thép cacbon của Việt Nam đã bị một số công ty Mỹ nộp đơn khởi kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Cụ thể, trong đơn kiện gửi Bộ Thương mại Mỹ (DOC), nguyên đơn nêu rõ, trước đó Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp rất cao đối với thép Trung Quốc. Sau khi Mỹ áp dụng các mức thuế trên, lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh. Ngược lại, lượng thép xuất khẩu cùng loại từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng đột biến. Do đó, phía doanh nghiệp Mỹ nghi ngờ có một lượng thép Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam vào Mỹ để né thuế.
Lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đạt gần 14 triệu tấn, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc với hơn 8 triệu tấn, trị giá hơn 3,25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 60% về lượng. Tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo dõi diễn biến tình hình nhập khẩu thép vào thị trường Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, đã nhìn thấy dấu hiệu lẩn tránh thuế tự vệ của thép Trung Quốc khi các mã sản phẩm bị áp thuế 15,4% (trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến ngày 21/3/2017) giảm đáng kể. Cụ thể là sản lượng nhập khẩu các loại thép bị áp thuế mức 15,4% chỉ bằng 29% so với cùng kỳ và bằng 25% so với cả năm 2015, trong khi mã sản phẩm không bị áp thuế tự vệ lại tăng đột biến.
Theo ông Nguyễn Đức Cơ, Giám đốc Nhà máy Sản xuất ống thép Hòa Phát cho biết, trong thời gian qua, lượng thép nhập khẩu tăng cao, trong đó sản phẩm thép cuộn mã HS72139190 được nhập khẩu tăng đột biến. Tổng lượng nhập khẩu loại thép này trong 9 tháng đã tăng gấp gần 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó riêng tháng 9, con số nhập khẩu đã lên tới 120.640 tấn và dự kiến trong tháng 10 đạt trên 100.000 tấn. Cũng theo ông Cơ thì đây là sản phẩm thép chỉ chịu mức thuế 3% và không bị áp thuế tự vệ.
Doanh nghiệp thép nội phải làm gì để tự vệ?
Lãnh đạo một doanh nghiệp thép đang niêm yết trên sàn HOSE cho biết, hiện tượng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thép cuộn với số lượng tăng đột biến đã được thị trường ghi nhận bằng những con số cụ thể. Và các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm thép có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo vị lãnh đạo này, ngoài việc nhu cầu nhập khẩu thép tại một số cơ sở trong nước tăng mạnh thì cũng có hiện tượng sản phẩm thép Trung Quốc sẽ đi vào Việt Nam theo con đường tạm nhập tái xuất. Cũng không ngoại trừ khả năng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó được xuất sang nước thứ ba, nên mới có hiện tượng thép nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng đột biến trong 9 tháng đầu năm.
Từ chối bình luận về việc có hay không sản phẩm thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam rồi được xuất khẩu qua thị trường Mỹ, ông Lê Minh Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần Thép Việt Đức (VGS) cho biết, việc áp thuế chống bán phá giá nếu có sẽ không ảnh hưởng đến VGS. Hiện Công ty đang tập trung vào thị trường trong nước.
Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán tại một số doanh nghiệp thép trong nước có thị phần xuất khẩu sang thị trường Mỹ, vụ kiện chống lẩn trốn thuế với hàng thép từ Việt Nam rõ ràng có ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Việc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu thay thế đang được các doanh nghiệp tính tới.
Phân tích về ảnh hưởng của việc áp thuế chống bán phá giá, một số chuyên gia cho rằng, sẽ không có khả năng áp thuế với tất cả các doanh nghiệp ngành thép. Các doanh nghiệp thép trong nước cần bảo vệ mình bằng cách chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để chứng minh sử dụng phôi thép có nguồn gốc xuất xứ không phải từ Trung Quốc. Hiệp hội Thép Việt Nam và Cục Quản lý Canh tranh cũng cần thiết lập hồ sơ để khởi xướng điều tra chống bán phá giá và tự vệ thương mại với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ một số nước trong khu vực.