Giá nguyên liệu tăng cao như hiện nay không chỉ làm giảm lợi nhuận của nhà sản xuất mà họ còn chịu sức ép tìm ra những giải pháp thiết yếu khác để giảm chi phí sản xuất. Giá nguyên liệu tăng cũng có thể châm ngòi cho lạm phát ở Nhật vì chính phủ nước này cũng đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn.
Ba nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản là Nippon Steel, JFE Holding và Sumitomo Metal Industries đã đồng ý trả 300USD/tấn than cốc trong năm 2008 cho BHP Billionton của Úc trong khi giá cũ chỉ là 98USD/tấn. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Chubu phải trả 125USD/tấn than năm 2008 cho các nhà cung cấp thay vì con số 55USD/tấn năm 2007. Giá này trở thành mốc trong các cuộc thương lượng giữa các công ty điện lực Nhật Bản và nhà cung cấp nguyên liệu. Phát ngôn viên của Chubu từ chối bình luận về vấn đề này.
“Giá vật liệu tăng sẽ làm giảm lợi nhuận, điều này cũng có nghĩa là nền kinh tế Nhật sẽ lại bị ảnh hưởng xấu. Điều đó cũng sẽ làm gia tăng lạm phát”, Seiji Shiraishi, chuyên gia kinh tế của HSBC tại Tokyo bình luận.
Những hợp đồng cung cấp mới này cũng cho thấy rõ lợi thế của các nhà cung cấp nguyên liệu trong thời điểm hiện tại. Khi các nhà sản xuất thép đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng nhanh ở các nước công nghiệp hóa như Trung Quốc và Ấn Độ thì nguồn cung lại bị hạn chế bởi chính sách tạm thời cấm xuất khẩu than của Trung Quốc cũng như tình hình thời tiết không mấy thuận lợi ở Australia. Với giá quặng than tăng 65% trong năm nay cùng với tốc độ tăng giá cao hơn của than cốc, chắc chắn lợi nhuận của các nhà sản xuất thép sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Phát ngôn viên của Nippon Steel ước tính, Nippon sẽ bị thiệt hại khoảng 29 tỷ USD trong năm nay vì giá than, quặng than và các nguyên liệu khác tăng nhanh. Lợi nhuận của hãng này trong 3 tháng đầu năm qua cũng đã giảm, đây là lần đầu tiên trong suốt 5 năm qua xảy ra hiện tượng này.
Không chỉ có các nhà sản xuất thép mà cả những DN thu mua thép cũng hết sức lo lắng. Tổng giám đốc của hãng sản xuất ôtô lớn nhất Nhật Bản - Toyota Motor - cho biết: “Tuần trước, chúng tôi đã có một cuộc thương lượng hết sức khó khăn với các nhà cung cấp thép. Chúng tôi sẽ phải tìm ra những biện pháp sản xuất hiệu quả hơn để bù lại sự tăng giá của nguyên liệu”. Phát ngôn viên của Nissan cũng tuyên bố, Nissan không có lời bình luận nào về vấn đề này, nhưng trong trường hợp cần thiết, để cắt giảm chi phí sản xuất họ sẽ di dời các nhà máy của mình ra nước ngoài.
Không chỉ có ngành sản xuất ôtô bị ảnh hưởng mà cả các nhà xây dựng cũng hết sức lo lắng. Tuần trước, một công ty xây dựng tầm trung ở Nhật đã cắt giảm ước tính lợi nhuận năm 2008 của mình xuống 20% với lý do là giá vật liệu xây dựng tăng cao./.
Theo Wall Street Journal