Doanh nghiệp ngành thép: Khốn đốn vì... ký quỹ
02/06/2015 10:51
Kể từ ngày 15/6/2015, các doanh nghiệp (DN) ngành thép nhập sắt, thép phế liệu sẽ phải ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với mức cao nhất lên đến 20% trên giá trị lô hàng - quy định tại Nghị Định 38/2015/CP-NĐ đang khiến các DN như ngồi trên lửa...
Theo đó, Nghị định 38/2015/CP-NĐ quy định: Các DN, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với số tiền được quy định như sau: Khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; Khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng.
Thực tế, hầu hết các nhà sản xuất thép ở VN nhập thép phế liệu với số lượng lớn, bình quân một lô hàng từ 2.000 tấn trở lên, do đó, DN phải ký quỹ trước 15 ngày khoản tiền bằng 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu. Các DN ngành thép đều cho rằng, mức ký quỹ 20% là quá cao, gây khó khăn tài chính cho DN.
Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN cho biết: Năm 2014, các DN ngành thép sản xuất gần 6 triệu tấn; Trong đó, hơn 90% được luyện bằng thép phế liệu. Nguồn cung thép phế liệu trong nước chỉ đáp ứng gần 40% và VN phải nhập khẩu 3,4 triệu tấn thép phế liệu, với mức giá bình quân 250USD/tấn, tương ứng với khoảng 900 triệu USD. Nếu phải ký quỹ bảo vệ môi trường thì các DN phải bỏ ra ít nhất 200 triệu USD để ký quỹ - một con số không hề nhỏ.
Ông Sưa nhấn mạnh, hiện cả nước có khoảng 20 nhà sản xuất nhập khẩu thép phế liệu: Miền Bắc 10, miền Trung 5 và miền Nam 5. Hầu hết họ đều nhà những DN lớn, đã đầu tư hàng trăm triệu USD và nhà máy, dây chuyền công nghệ, cơ sở hạ tầng. “Tài sản khổng lồ của các nhà máy thép nằm trên đất. Điều đó cũng đủ để chứng minh năng lực của nhà sản xuất, họ có chạy được trốn trách nhiệm được đâu mà lại bắt DN phải phải ký quỹ?” - ông Sưa băn khoăn.
Còn theo ông Đỗ Duy Thái - TGĐ Cty Thép Việt (Pomina), do đặc thù của ngành sản xuất thép là quay vòng vốn chậm, để có số tiền ký quỹ 20% hầu như DN nào cũng phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao. Để xây dựng được một nhà máy luyện thép cần số vốn lớn, tới hàng trăm trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD. Cụ thể, theo ông Thái, kể từ năm 1999, Thép Việt đã lần lượt đầu tư 68 triệu USD và thêm 300 triệu USD nữa để xây dựng ba nhà máy sản xuất thép Pomina 1, 2, 3 với dây chuyền công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới của Đức và Italia. Với việc xây dựng ba nhà máy hiện đại này, sử dụng lò điện để luyện thép nên nguyên liệu chính là thép phế liệu. Tuy nhiên, trong khi thu mua trong nước chỉ đáp ứng được 40%, còn lại 60% là phải nhập khẩu thì số tiền ký quỹ 20% sẽ là không hề nhỏ.
Theo ông Thái, từ quý I năm nay, giá thép phế liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, cộng thêm việc ký quỹ 20% sẽ làm cho giá thành sản phẩm tăng cao, giảm năng lực cạnh tranh của DN ngay trên chính thị trường nội địa chứ đừng nói tới xuất khẩu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Nghi - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng: Khó khăn của ngành thép đã lộ diện từ đầu năm 2013, và kéo dài tới hiện tại. Cho đến đầu năm 2015, đã có nhiều đơn vị ngành thép phải tạm ngừng hoạt động, nhiều đơn vị khác thì hoạt động cầm chừng, chỉ đạt 40- 50% công suất. Khó khăn chồng chất khó khăn, nếu giờ thêm khoản ký quỹ sẽ có thêm nhiều DN lâm vào cảnh phá sản.
Trước đây, vào tháng 10/2014, tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo nghị định ký quỹ đối với các DN nhập khẩu phế liệu, Hiệp hội Thép VN cũng đã nêu kiến nghị Nhà nước chỉ nên quy định mức ký quỹ từ 5- 10%, để đảm bảo nguồn vốn cho DN phục vụ sản xuất vì các DN ngành thép đang rất khó khăn. Nay, với mức ký quỹ vượt vài lần so với mức mà Hiệp hội Thép kiến nghị chắc chắn sẽ càng tăng thêm khó khăn cho DN. Do đó, các DN ngành thép kiến nghị Chính phủ cân nhắc giảm mức ký quỹ xuống thấp hơn, hoặc bỏ các quy định này.