Doanh nghiệp Logistic hưởng lợi ngay lập tức khi vào TPP
06/10/2015 17:54
Theo đánh giá, lĩnh vực Logistic sẽ nằm trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng tích cực từ TPP và được hưởng lợi ngay lập tức.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc mở cửa thị trường hàng hóa, xuất nhập khẩu ngày càng tăng chính là điều kiện tiền đề cho việc mở rộng nhu cầu vận chuyển, cung ứng, kho bãi… khiến các dịch vụ Logistis phát triển mạnh.
Công ty Logistic ITL Hà Nội mỗi năm thu khoảng trên 2000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải. Biết tin Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã kết thúc đàm phán, doanh nghiệp này kỳ vọng, doanh thu sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Ông Lê Đức Khôi, Giám đốc Công ty Logistic ITL Hà Nội, cho biết: “Toàn bộ phần xuất nhập khẩu của đất nước chúng ta sẽ ngày càng tăng thêm.
Các công ty Logistic Việt Nam có thêm nhiều công ăn việc làm hơn, có nhiều lượng hàng để xuất nhập khẩu hơn, nhờ có lượng hàng tăng lên thì giá thành vận tải giảm hơn, đó là điều tốt cho doanh nghiệp chúng tôi, tốt cho cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam”.
TPP cũng sẽ là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Logistis Việt Nam tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ông Lê Đức Khôi cho biết thêm: “Phần thủ tục hải quan khai thác phải chuyên nghiệp hơn, có hệ thống khai báo tốt hơn, cung cấp dịch vụ kho bãi cũng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế thay vì kho bãi kém như hiện nay, việc vận chuyển phải đúng giờ hơn. Tất cả các chuỗi cung ứng của cho khách hàng phải đạt tiêu chuẩn tốt hơn hiện nay”.
Hiện nay, chi phí cho hoạt động Logistic tại Việt Nam đang chiếm đến 25% GDP, trong khi tại các nước phát triển tỷ lệ này chỉ từ 10 – 13%. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc tham gia vào TPP sẽ giúp giảm chi phí logistics, góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của một quốc gia.
Bên cạnh ngành Logistic, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, thủy sản, hạ tầng sẽ được lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do như TPP, trong đó 2 nhóm ngành là dệt may và thủy sản được đánh giá là sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, ngành dược phẩm sẽ phải đối mặt với việc cạnh tranh trực tiếp với các thành phẩm nhập khẩu với mức thuế giảm xuống còn 0% thay vì 5% như hiện tại.