Điều 60 Luật BHXH nên để Quốc hội cân nhắc
13/05/2015 16:23
Chiều 12/5, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiến nghị điều chỉnh điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về việc trả bảo hiểm xã hội.
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày tại phiên họp nêu rõ, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006. Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Việc sửa đổi như trên sẽ tạo sự linh hoạt trong giải quyết BHXH một lần, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động có thời gian đóng BHXH ngắn có nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt. Tuy nhiên, nếu người lao động nhận BHXH một lần thì khi hết tuổi lao động sẽ không có điều kiện để được hưởng lương hưu hàng tháng, không bảo đảm ổn định cuộc sống khi về già, không bảo đảm an sinh xã hội và tạo thêm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc hỗ trợ những người không có lương hưu.
Rất nhiều công nhân Công ty PouYuen Việt Nam đã đình công để bày tỏ ý kiến phản đối về Điều 60 Luật BHXH. |
Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chủ trương xây dựng Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội là phù hợp với thế giới, phù hợp với an sinh xã hội cho người lao động, quan điểm là đúng đắn. Việc người lao động phản đối là đáng tiếc, do vậy cần tính đến việc điều chỉnh cái gì. Cũng đặt câu hỏi vì sao chỉ có một bộ phận người lao động ở phía Nam phản đối, còn ở miền Bắc, miền Trung lại không, do vậy cần xem lại bản chất của vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, phải sửa Điều 60 của luật BHXH, chứ không thể giao cho Chính phủ ban hành nghị định để hướng dẫn được, vì đây là luật của Quốc hội ban hành.
“Theo báo cáo của Chính phủ đưa ra thì phương án 1 hay phương án 2 đều là sửa, theo tôi cứ đưa vấn đề này ra Quốc hội để lấy ý kiến. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta sửa luật, trước đây Luật thi đua khen thưởng cũng phải sửa khi mới ban hành. Theo tôi, chúng ta không nên né tránh”, ông Phan Trung Lý nói.
Nhấn mạnh vấn đề là sửa hay không sửa điều 60 Luật BHXH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: “Chúng ta cũng phải cân nhắc xem vấn đề tại sao chỉ có công nhân Bình Dương, Đồng Nai phản đối Điều 60 luật BHXH về hưởng bảo hiểm một lần, trong khí đó cả nước có hàng ngàn khu công nghiệp? Theo tôi, nên trình việc này ra Quốc hội để Quốc hội cân nhắc, nếu chúng ta phải sửa luật thì đây điều đáng tiếc”.
Là cơ quan bảo vệ lợi quyền cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ông Mai Đức Chính lại cho rằng, khi trực tiếp đối thoại với công nhân tham gia đình công, họ nói rằng nếu con tôi bị ốm mà không có bảo hiểm một lần thì con tôi chết, con tôi học đại học nếu không có bảo hiểm một lần thì không có tiền đi học cho con…. Vì những lý do đó, tôi rất mong Quốc hội linh hoạt để cho người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, nếu đúng là luật không tốt, Quốc hội sẵn sàng nhận khuyết điểm trước dân và sửa ngay. Còn nếu là do tuyên truyền, giải thích luật chưa tốt, phản ứng của công nhân là do đụng chạm lợi ích trước mắt, hay các nguyên nhân khác, thì phải xem xét.
“Luật này có hiệu lực từ 1/1/2016, nên cứ thực hiện đi, các đồng chí trình ra đây nói tốt, đúng chủ trương của Đảng thì sao phải đề nghị sửa. Từ nay đến tháng 11/2015 các đồng chí thấy không được thì sửa”, Chủ tịch Quốc hội nói.