Điện, xăng dầu tăng giá làm giá thép tăng thêm hơn 1%
22/10/2012 00:00
Việc một số mặt hàng được xem là đầu vào thiết yếu của ngành thép đã chính thức tăng giá như điện và xăng dầu đã có tác động ít nhiều đến giá thép trong thời gian tới.
Theo tính toán thì với mức giá điện mới là 1.220 đồng/kWh (bắt đầu áp dụng từ ngày 1/3 tới đây), công nghệ trung bình của ngành thép hiện nay tiêu hao khoảng 700kWh/tấn (bao gồm cả công đoạn nấu phôi và cán thép) thì giá thép sẽ tăng thêm khoảng 854 nghìn đồng/tấn. Và mức giá bán ra hiện nay trên thị trường là 17 triệu đồng/tấn thì giá điện chiếm khoảng 5% cơ cấu giá thành sản phẩm thép (tăng khoảng 0,6% so với trước khi điều chỉnh giá điện).
Về giá xăng dầu, hiện nay ngành thép chủ yếu sử dụng dầu DO và giá đang bán trên thị trường là 14.800 đồng/lít, công nghệ chủ yếu của các nhà máy thép hiện nay là 40lít/tấn, chiếm khoảng 3,5% trong giá thành và tăng khoảng 0,5% so với trước kia.
Theo tính toán của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, năm 2011 sẽ thiếu khoảng 3 tỷ kWh, trong đó 6 tháng đầu năm sẽ thiếu trầm trọng. Đây sẽ là một khó khăn lớn nhất của ngành thép trong năm nay, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu.
Hiện nay, trong số 32 doanh nghiệp của Hiệp hội thép Việt Nam chỉ có 4 doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới; 10 doanh nghiệp có cải tiến công nghệ, còn lại là công nghệ cũ.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng phương án điều chỉnh giá điện theo thị trường có lộ trình. Khi giá điện được tính đúng tính đủ, tỷ lệ chi phí cho điện sẽ chiếm đáng kể với những công nghệ thép lạc hậu.
Vấn đề thiếu điện sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều chính vì thế những doanh nghiêp sử dụng công nghệ luyện thép lạc hậu để kiếm lợi trong ngắn hạn sẽ bị chính thị trường đào thải.
Trước mắt, để ứng phó với nguy cơ thiếu điện trầm trọng vào mùa khô năm nay, ngành Điện và ngành Thép đã thống nhất về chủ trương, kế hoạch và các giải pháp để đảm bảo cung cấp điện cho ngành sản xuất thép.
Theo đó, Hiệp hội Thép sẽ xây dựng danh sách những DN đủ điều kiện để được ưu tiên tiếp tục cấp điện cho sản suất. Đó là những doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hoặc đã có cải tiến để áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất thép tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh đó, khó Â khăn lớn nhất mà ngành thép phải đối mặt trong năm nay là cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các sản phẩm thép nước ngoài giá rẻ như Trung Quốc hay các nước Asean. Nguyên liệu sản xuất thép trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu. Trong khi đó giá nguyên liệu thế giới thì ngày càng tăng mạnh cùng với mức biến động tỷ giá hiện nay thì sẽ làm cho giá thành nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp thép trong nước tăng lên khá nhiều.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thép lại không thể tăng giá quá nhiều vì nếu giá tăng cao quá người tiêu dùng sẽ không mua, các công trình xây dựng cũng sẽ dừng thi công để điều chỉnh dự toán hoặc chờ thép hạ giá.
Thêm vào đó, giá thép Trung Quốc và Đông Nam Á đã rẻ hơn thép trong nước từ 500-600.000 đồng/tấn, nếu tăng cao quá, chênh lệch giá sẽ càng lớn, người tiêu dùng sẽ dùng hàng nhập khẩu.
Â
Theo cafef.vn