Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015: Kinh tế phục hồi, nhưng vẫn trong “vùng đáy”

“Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1999-2014 phục hồi nhưng vẫn trong ‘vùng đáy’” - TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định như vậy tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân năm 2015 với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN và VCCI tổ chức ngày 21.4 tại TP.Vinh (Nghệ An).

22/04/2015 11:28

“Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1999-2014 phục hồi nhưng vẫn trong ‘vùng đáy’” - TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định như vậy tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân năm 2015 với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN và VCCI tổ chức ngày 21.4 tại TP.Vinh (Nghệ An).

Nợ xấu vẫn là “cục máu đông lớn” của nền kinh tế

Theo TS Trần Đình Thiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế VN đạt “đỉnh cao” 9,5% vào năm 1994-1995, sau đó hạ xuống “đáy” 3% và đến năm 2014 dao động mức 6-6,8%. Tỉ lệ lạm phát từ trên 25% vào năm 2008 giảm xuống còn 1,84% vào năm 2014. Tuy nhiên, đầu tư toàn xã hội/GDP cũng giảm, từ trên 46% vào năm 2006 giảm xuống còn 31% vào năm 2014. Từ năm 2008-2014, đầu tư nước ngoài tăng nhanh, lĩnh vực đầu tư tư nhân giảm, thu nhập từ kinh tế nhà nước tăng, thu nhập từ doanh nghiệp (DN) tư nhân giảm. Các DN FDI có tốc độ tăng trưởng nhanh, liên tục xuất siêu lớn, chiếm 65-67% kim ngạch xuất khẩu. Tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương phụ thuộc lớn vào DN FDI. Tỉ lệ nợ xấu từ 4,5% năm 2011 xuống 3,22% vào cuối năm 2012.

Theo ông Trần Đình Thiên, tái cơ cấu DN VN khởi động chậm nhưng nhiều hứa hẹn. Hiện ngân hàng đã dồn được nợ xấu về “kho”, nhưng nợ xấu vẫn là “cục máu đông lớn” của nền kinh tế. Vấn đề tái cơ cấu kinh tế được đánh giá là khởi động mạnh, đúng hướng và đáng tin, theo hướng thị trường và nguyên tắc thị trường. Cơ bản đồng thuận với đề dẫn của ông Trần Đình Thiên, nhưng TS Lê Đăng Doanh lưu ý cần xem xét như cân đối thu chi ngân sách, hiệu quả chi ngân sách, nợ công hiện nay chi ngân sách thường xuyên quá cao, lên đến 71%. TS Trần Du Lịch cho rằng, không nên quá lạc quan với chỉ số lạm phát thấp, bởi điều này chứng tỏ sức phục hồi của nền kinh tế VN còn yếu. Từ sự phân tích tác động của giá xăng dầu giảm đối với nền kinh tế, ông Trần Du Lịch băn khoăn về xu hướng tăng thuế-phí, tăng thu nội địa để đảm bảo nguồn thu ngân sách. “Tôi sợ nhất là tận thu, làm vậy là ăn vào vốn của DN” - ông Lịch thẳng thắn. Một số chuyên gia khác cũng tỏ ra không quá lạc quan với chỉ số lạm phát thấp, bởi vì bên cạnh mặt tích cực, lạm phát thấp cũng dẫn tới không ít hệ lụy cho nền kinh tế.

Lực cản từ “lợi ích nhóm”

Với câu hỏi “Tại sao chúng ta hành động kém?”, chuyên gia kinh tế - TS Lưu Bích Hồ chỉ ra các nguyên nhân: Thể chế, chính sách ban hành chưa tạo ra được sự đồng thuận, quyết tâm cao của mọi người. TS Hồ cũng không ngần ngại chỉ ra “lợi ích nhóm chi phối nặng nề” ảnh hưởng tới quyết tâm chính trị và hành động. Nguyên nhân thứ ba là tồn tại, yếu kém của bộ máy hành chính, quản trị. Từ đó, TS Lưu Bích Hồ kết luận: “Khi nói chuyện biến lời nói thành hành động, lâu nay chúng ta thường nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước, của Chính phủ. Nhưng theo tôi cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là Quốc hội. Quốc hội cần góp phần tích cực hơn nữa vào việc thúc đẩy hành động”. Cùng quan điểm với TS Lưu Bích Hồ, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - tỏ ra sốt ruột với tốc độ cổ phần hóa (CPH) các DN nhà nước quá chậm. “Chúng ta đặt ra mục tiêu CPH 422 DN, nhưng xem ra đến nay còn xa vời. Hiện nay vẫn chưa có luật, nghị quyết của Quốc hội về CPH, chỉ có mới 2 nghị định của Chính phủ. Một chủ trương lớn như vậy mà hiện nay vẫn chưa có luật, nghị quyết của Quốc hội”. Ông Vũ Mão đề xuất cần có quy định về DN quan trọng quốc gia để thực hiện CPH. Các giải pháp để chống tham nhũng và nâng cao chất lượng văn bản pháp luật cũng được ông Vũ Mão kiến nghị quan tâm thực hiện.

Đặc biệt quan tâm tới mối quan hệ giữa “lời nói” và “hành động”, TS Trần Du Lịch phân tích: “Lời nói là chính sách, còn hành động là đi vào thực tiễn mà DN thực hiện được. Chúng ta nói cải cách hành chính, giảm giờ nộp thuế, đơn giản hóa thủ tục hải quan... vậy cần xem lại đã làm được chưa. Cũng tương tự như vậy đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế. Còn việc tái cơ cấu kinh tế, tôi chưa thấy làm. Đối với DN, chính sách nào có lợi thì họ làm”. Giải pháp có tính tổng thể, cấp bách, có ý nghĩa tháo gỡ mọi khúc mắc của nền kinh tế hiện nay, theo ông Trần Du Lịch là cải cách thể chế. Một dẫn chứng về bất cập của cơ chế hiện nay mà ông Trần Du Lịch nêu ra là giải pháp cho DN thuê đất, nông dân sẽ làm thuê cho DN chứ không bán đất không được chấp nhận.

TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho hay: Trong số hơn 54 triệu lao động, có 1,2 triệu lao động thiếu việc làm và gần 1 triệu lao động thất nghiệp. Năng suất lao động xã hội năm 2014 ước đạt 3.515 USD/lao động, còn rất thấp so với một số nước trong khu vực. Tỉ lệ lao động qua đào tạo chỉ có khoảng 49%. Thu nhập của lao động Việt Nam cũng rất thấp, mức tiền lương tối thiểu chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu cơ bản của người lao động, thấp hơn mức lương tối thiểu thực tế trên thị trường khoảng 20% và hiện nay mới đạt khoảng 45% mức tiền lương tối thiểu trung bình của khu vực ASEAN. “Người lao động thường chấp nhận làm bất cứ loại công việc gì, kể cả những công việc có mức thu nhập thấp, bấp bênh, điều kiện làm việc không đảm bảo nhằm nuôi sống bản thân và gia đình hơn là thất nghiệp dài để chờ đợi công việc tốt hơn” - TS Lợi trăn trở.